Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh

Thứ ba - 31/12/2019 06:22   Đã xem: 584   Phản hồi: 0

Thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, làm chết và bị thương hàng chục người. Gần đây nhất, ngày 13/12/2019, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Quan Triều, đoạn thuộc km50+100 (thành phố Thái Nguyên) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn va chạm giữa tàu chở hàng với một xe mô tô, khiến 01 người tử vong và 01 người bị thương.

      Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến tai nạn giao thông đường sắt xảy ra đều xuất phát từ hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện qua đường ngang. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Ngoài ra, những bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông cũng góp phần không nhỏ gây mất an toàn giao thông đường sắt
 
image 20200102182940 1
Người dân tự ý mở lối tắt qua đường sắt trên địa bàn phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên
      Hiện nay tỉnh Thái Nguyên có 3 tuyến đường sắt chạy qua với tổng chiều dài gần 100km. Trên địa bàn tỉnh có trên 300 lối đi tự mở qua các đường sắt. Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, số vụ tai nạn ở các đường ngang, lối đi tự mở chiếm trên 80% trong tổng số vụ tai nạn đường sắt. Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người dân điều khiển phương tiện đi qua đường ngang bất cẩn, thiếu quan sát. Khoản 4, Điều 48, Luật Đường sắt đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua là “Quản lý, tăng cường các điều kiện an toàn giao thông tại lối đi tự mở; giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở hiện có theo lộ trình; chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi tự mở mới”. Tuy nhiên, trên thực tế, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vi phạm tồn tại lâu, khó xử lý và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn giao thông tại các điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt.
      Cùng với đó, việc tăng cường xử phạt những hành vi vi phạm kết hợp nhắc nhở và tuyên truyền đến từng đối tượng cụ thể là một trong những giải pháp được triển khai song song nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh.Thời gian qua, phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với chính quyền các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tăng cường công tác tuyên truyền luật giao thông đến người dân. Bên cạnh đó, tổ chức cho các gia đình ký cam kết không vi phạm luật giao thông, không tự ý mở đường ngang, xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Ngọc Thơm
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây