Người cựu chiến binh say mê lịch sử

Thứ sáu - 28/01/2022 05:46   Đã xem: 376   Phản hồi: 0

Ông Nguyễn Ngọc Lâm sinh năm 1956, tại xóm Cậy, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc TP. Thái Nguyên). Ba năm học cấp III Lương Ngọc Quyến (1971 - 1974), ông đã yêu thích môn học lịch sử.

     Hết năm cuối cấp III, ông đăng kí thi vào Khoa Sử của Đại học Sư phạm Việt Bắc và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vậy nhưng, vừa thi xong tốt nghiệp 9 ngày thì ông đã có giấy gọi nhập ngũ và lên đường bảo vệ Tổ quốc mà không kịp dự thi đại học (ngày đó 2 kỳ thi khác nhau). Rồi ước mơ bị bỏ dở từ đấy.
     Cuộc đời binh nghiệp cứ cuốn đi nên ước mơ đành gác lại. Tháng 6/1974 nhập ngũ, huấn luyện xong ông được cử học về kỹ thuật vũ khí, chuyên ngành vũ khí phòng không. Bốn năm sau, tháng 6/1978 mới ra trường, vào Cam pu chia chiến đấu. Rồi bị thương ở huyện Mi Mốt, tỉnh Công Pông Chàm (sau này vết thương tái phát, giám định được xếp hạng thương binh hạng ¾).
image 20220128174651 1
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Lâm (phải) giới thiệu với tác giả về Di tích Đền Rắn
(xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên)
     Hồi phục vết thương, ông tiếp tục công tác, rồi cấp tốc cùng đơn vị hành quân ra bảo vệ Biên giới phía Bắc. Ông theo đơn vị về nước và đi học Trường Quân chính, chuyên ngành chỉ huy pháo phòng không, rồi làm cán bộ tiểu đoàn (Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn sửa chữa tổng hợp Quân đoàn 3); học tại chức ngành Điện tử Viễn thông Đại học Bách khoa Hà Nội. Những năm 1992 - 1993, ông được cử đi học bổ túc về Chỉ huy tham mưu ở Hệ 1 (Hệ Bổ túc và đào tạo sau đại học, Học viện Hậu cần), sau về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật Trường Quân sự Quân đoàn 3, sau chuyển sang là Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn 31, Quân đoàn 3...Tuy là cán bộ quản lý chỉ huy tham mưu kỹ thuật nhưng ông vẫn yêu thích nghiên cứu lịch sử từ thư viện của học viện, nhà trường, đơn vị,..
     Ông Lâm nhớ lại: Tháng 10/2005, ông được nghỉ chế độ và về quê sinh sống. Chỉ 6 tháng sau, tức vào tháng 4/2006, dù vẫn còn yếu (đang nằm viện) ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm. Mang tất cả nhiệt tình cách mạng của người cựu chiến binh, sĩ quan quân đội và những kiến thức đã thu nạp suốt cuộc đời binh nghiệp, ông “vực” lại phong trào của địa phương. Làm Bí thư năm trước, thì ngay năm sau (2007) Chi bộ xóm Cậy đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, rồi tiếp tục các năm sau nữa vẫn giữ vững thành tích là chi bộ trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu; xóm Cậy trở thành lá cờ đầu trong phong trào bê tông hóa đường giao thông của huyện Đồng Hỷ. Từ tháng 12/2006, ông được bầu vào Ban Thường vụ, làm Trưởng ban Kiểm tra Hội Cựu chiến binh xã và tham gia 2 khóa. Tháng 8/2012 được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện.
     Xuất phát từ vai trò là cán bộ Hội Cựu chiến binh xã, ông được Đảng ủy phân công tham gia Ban Biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Huống Thượng. Để dựng lại lịch sử của đảng bộ, của địa phương là một việc không hề dễ dàng, bởi ông chưa từng viết sách, cũng không hề được đào tạo về chuyên ngành lịch sử. Nhưng việc khó hơn, là trong tay hầu như không có tư liệu gì, phải bắt đầu dò dẫm, tìm tư liệu, nhân chứng, tìm kiếm sự giúp đỡ của những nhà nghiên cứu lịch sử ở tỉnh.
     Một trong những dấu ấn trong quá trình nghiên cứu lịch sử của ông Nguyễn Ngọc Lâm là tìm lại được hồ sơ, giúp di tích Đền Rắn (nằm ngay trên địa bàn xã Huống Thượng quê hương ông) được UBND tỉnh công nhận là Di tích cấp tỉnh vào năm 2016. Cũng từ đó, Đền được tôn tạo, phát huy giá trị.
     Theo cuốn “Từ điển Thái Nguyên” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản năm 2016, trang 708 - 709 ghi: Đền Rắn còn có tên là Tứ Đại Vương, được dựng thế kỷ XII ở Gò Đình thuộc xóm Già, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ. Trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (1941 - 1945), Đền Rắn là địa điểm bí mật của cán bộ Mặt trận Việt Minh họp bàn việc xây dựng cơ sở cách mạng ở giáp Đông Gia. Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Đền được dùng làm lớp học của Trường Đồng Tiến (cấp I và một số lớp cấp II). Những năm có chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, khu vực Đền là nơi sơ tán của Trường Phổ thông cấp II Đồng Tiến…
     Một di tích lịch sử, văn hóa quý giá như thế, nhưng do sự bào mòn của thời gian, rồi ảnh hưởng của chiến tranh, nên Đền đã bị phá dỡ, sau ngày miền Nam giải phóng được phục dựng nhưng cũng hết sức sơ sài.
     Ông Lâm kể lại: vào năm 2008, tôi được Đảng ủy xã Huống Thượng (khi ấy thuộc huyện Đồng Hỷ) trưng tập vào Tổ sưu tầm và biên soạn lịch sử Đảng bộ xã. Vì thời gian đã lâu, tài liệu ít, nhân chứng còn lại cũng rất ít, nên công việc của chúng tôi gặp nhiều khó khăn và lúng túng.
     Được sự giới thiệu của anh Vũ Thanh Khôi, Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, tôi gặp được bác Trần Tiến (nguyên là Phó ban Thiếu niên nhi đồng tỉnh). Bác Tiến cho biết: Tháng 3/1951, tại trường học của xã Đồng Tiến (lúc này đang học tạm trong khu vực đền Rắn), Trung ương Đoàn làm lễ đổi tên Đội Thiếu nhi Cứu quốc và Nhi đồng Cứu vong thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám. Tại đây, lần đầu tiên thiếu niên và nhi đồng được mang khăn quàng (thiếu nhi mang khăn quàng đỏ, nhi đồng mang khăn quàng xanh).
     “Từ những tư liệu ấy, năm 2013 tôi đã biên thư gửi Tòa soạn Báo Tiền Phong, phản ánh về một di tích quan trọng gắn với lịch sử Đoàn, Đội của Trung ương chưa được nhắc đến và đang xuống cấp. Báo Tiền Phong sau đó đã cử phóng viên Kiến Nghĩa tìm hiểu, viết bài và kiến nghị với địa phương để bảo tồn di tích” - ông Lâm kể tiếp.
     Tiếp xúc với các cụ cao tuổi và nhiều nhân chứng khác, ông Lâm nắm được một thông tin rất quý: Đền Rắn trước đây đã từng được tỉnh xếp hạng là Di tích danh thắng - nghệ thuật cấp tỉnh, đã từng có tấm biển cắm ở đây. Bán tín bán nghi, ông sang hỏi Sở Văn hóa - Thể thao thì được trả lời là trong hồ sơ quản lý hiện hành, Đền Rắn không có tên trong danh mục Di tích cấp tỉnh.
     Với tư duy khoa học, ông “đào bới” khắp nơi để tìm cho ra tư liệu, bằng chứng, quyết tâm dựng lại lịch sử của ngôi đền. Cũng từ đây, ông mới biết đến và đặt chân đến những địa chỉ tin cậy, nơi lưu trữ những tài liệu lịch sử chính thống và cực kỳ quan trọng: Viện Lịch sử Việt Nam, Viện Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (trực thuộc Sở Nội vụ), Kho Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh ủy… Rồi từ đó, ông được tiếp xúc với các tài liệu thành văn của các cơ quan Đảng, chính quyền, văn khấn của các cụ để lại, đặc biệt là hương ước của xã Huống Thượng (lập 23/8/1942). 
     Niềm vui bất ngờ là tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, ông đã tìm thấy bản gốc Quyết định số 1073/VX, ngày 10/12/1962 của Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên công nhận các di tích lịch sử và danh thắng trên địa bàn. Theo đó, Đền Rắn xếp thứ tự số 7, là Di tích loại 1 được “cắm bảng đăng ký, tuyệt đối không được xâm phạm”.
     Từ sự khởi đầu ấy, đã đưa ông đến với công việc đầy đam mê, để rồi thành danh một “nhà nghiên cứu lịch sử” hàng đầu của tỉnh. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Minh - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã nhiều lần khẳng định với hội đồng thẩm định: “Nói về công tác làm tư liệu thì ở tỉnh này tôi đánh giá anh Nguyễn Ngọc Lâm là số một”.
     Chỉ cho tôi xem bảng Danh sách bộ đội xã Huống Thượng từ năm 1945 đến nay, ông Cao Xuân Kiên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nói: Lập bảng danh sách này rất khó, có thể nói trong cả tỉnh này không có xã nào làm được đâu. Đây là công lao chính của anh Lâm cùng với anh em chúng tôi đấy. Còn đồng chí Nguyễn Thị Hường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã thì giới thiệu: Nhờ đồng chí Lâm giúp đỡ, chúng tôi đã sưu tầm được gần như đầy đủ ảnh của Bí thư, Chủ tịch xã qua các thời kỳ và phóng lên treo ở phòng họp của Đảng ủy để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
image 20220128174651 2
Đồng chí Nguyễn Thị Hường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã giới thiệu về nơi trưng bày
ảnh chân dung các đồng chí Bí thư, Chủ tịch xã Huống Thượng.
     Không nề hà với công việc, ông đã giúp đỡ hoàn thành một loạt cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương ở huyện Đồng Hỷ với chất lượng tốt: xã Khe Mo (2014), Văn Hán (2016), Hóa Trung, Linh Sơn (2017). Từ năm 2017 khi xã Linh Sơn sáp nhập về thành phố Thái Nguyên, ông tiếp tục viết cho các xã, thị trấn của huyện Đồng Hỷ: Hóa Thượng, Tân Long, Hòa Bình, Vân Lăng, thị trấn Sông Cầu và cung cấp tư liệu, góp ý, sửa chữa bản thảo cho 5 xã mà ông không trực tiếp viết (Quang Sơn, Nam Hòa, Tân Lợi, Hợp Tiến, Minh Lập); góp ý và cung cấp tư liệu cho các cuốn lịch sử đảng bộ: tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai, các cuốn lịch sử đảng bộ quân sự thành phố Thái Nguyên và huyện Võ Nhai, lịch sử đảng bộ một số xã thuộc thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình, Võ Nhai và thành phố Sông Công… Từ tháng 12/2016 ông tham gia Hội đồng thẩm định lịch sử cấp tỉnh và đến nay đã tham gia hơn 40 Hội đồng, trong đó nhiều lần giữ vai trò Phản biện.
     Từ tháng 6/2021, thực hiện Quy định số 410-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thẩm định bản thảo các công trình lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị; lịch sử truyền thống cách mạng các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội thuộc tỉnh Thái Nguyên, ông Lâm được cử là thành viên Tổ Tư vấn các công trình lịch sử cấp tỉnh, ông đã tham gia các hội đồng thẩm định cấp huyện để thẩm định các cuốn sách lịch sử cấp xã, phường, thị trấn, ông luôn nhiệt tình và cẩn trọng với từng chi tiết viết về các nhân vật, sự kiện. Ông Nguyễn Ngọc Lâm đã có nhiều cống hiến và để lại ấn tượng tốt đẹp trong giới khoa học lịch sử của tỉnh Thái Nguyên.
                                                                        Trần Thép



 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:227

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:298

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:257

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4278

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4056

Thống kê website

  • Đang truy cập129
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại175,673
  • Tổng lượt truy cập18,336,015
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây