Thành lập cơ sở đảng cộng sản đầu tiên ở Thái Nguyên và cuộc vận động khởi nghĩa giành chính quyền 1936 - 1945

Chủ nhật - 11/07/2021 21:46   Đã xem: 3498   Phản hồi: 0

Tháng 9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Sau khi đánh chiếm xong các tỉnh Nam Kỳ, Trung Kỳ và đồng bằng Bắc Kỳ, tháng 3 và tháng 4/1884, quân Pháp 2 lần đánh chiếm thành Thái Nguyên, từng bước mở rộng phạm vi chiếm đóng ra toàn tỉnh.

     Không cam chịu sống cuộc đời nô lệ, nhân dân Thái Nguyên liên tục hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa do Phùng Bá Chỉ, Mã Sinh Long (tức Mã Mang), Hoàng Hoa Thám, Cai Bát lãnh đạo đứng lên đánh Pháp. Đặc biệt, Thái Nguyên là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Đây là “cuộc khởi nghĩa lớn nhất nổ ra ở Việt Nam trong thời k thế giới đại chiến thứ nhất”, “đã làm rung động chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và làm chấn động dư luận ở Pháp và thế giới”[1]. Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên cuối cùng thất bại nhưng ảnh hưởng còn vang vọng mãi, đã cổ vũ nhân dân Thái Nguyên tiếp tục con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
     Sau khởi nghĩa Thái Nguyên, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khống chế nhân dân khắp nơi nhằm ngăn phong trào cách mạng từ các nơi vào Thái Nguyên khiến cho việc tuyên truyền giác ngộ quần chúng trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7/1936, Chi bộ hải ngoại ở Long Châu (Trung Quốc) quyết định đưa cán bộ, đảng viên về nước hoạt động, trong đó đồng chí Đặng Tùng được cử về xây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Đặng Tùng đã bí mật về Cao Bằng rồi công khai qua Bắc Cạn xuống Thái Nguyên. Gia đình họ Đường ở xã La Bằng huyện Đại Từ đã đón tiếp Đặng Tùng như một người thân, nên hoạt động của Đặng Tùng rất nhiều thuận lợi. Cuối năm 1936, với sự nỗ lực của đồng chí Đặng Tùng cùng sự giúp đỡ của nhân dân, cơ sở cách mạng ở La Bằng đã khá vững chắc. Tại xã La Bằng, cơ sở đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập vào cuối năm 1936. Những đảng viên đầu tiên là các đồng chí Đường Nhất Quý, Đường Văn Ngân, Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp.
image 20210712084856 1
Di tích lịch sử Quốc gia nơi thành lập cơ sở đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên năm 1936 tại xã La Bằng, huyện Đại Từ
     Cơ sở đảng cộng sản đầu tiên ra đời là kết quả của việc nỗ lực tuyên truyền, gây dựng cơ sở trong những ngày đầu còn nhiều khó khăn và thử thách; là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng tỉnh Thái Nguyên, là sự tiếp nối phong trào đấu tranh liên tục, mạnh mẽ của nhân dân lao động thời kì trước. Cơ sở đảng cộng sản đầu tiên ra đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ, là phải có một tổ chức cách mạng tiên tiến trực tiếp lãnh đạo lực lượng cách mạng ở địa phương, đưa phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân Thái Nguyên hòa vào cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam.
     
Sau khi được kết nạp vào Đảng, các đảng viên ở La Bằng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, thu hút người vào Hội tương tế, giáo dục, tổ chức và rèn luyện họ thành lực lượng nòng cốt trong đấu tranh cách mạng. Từ tháng 11/1939, đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh và nhiều cán bộ của Trung ương, Xứ uỷ Bắc Kì thường xuyên qua lại Thái Nguyên hoạt động, tuyền truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Ở các địa phương tỉnh Thái Nguyên (Phú Bình, Phổ Yên, Võ Nhai) đã bắt đầu hình thành các nhóm thanh niên trung kiên với nhiều hoạt động thiết thực làm hạt nhân nòng cốt cho đấu tranh chính trị như: Tổ chức tuyên truyền, vận động trong nhân dân có tính công khai như đọc báo, truyền bá Quốc ngữ; tổ chức rải truyền đơn kêu gọi chống chiến tranh đế quốc và treo cờ búa liềm nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 1917;…
     
Ngày 27/9/1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Thực dân Pháp tập trung quân từ Bình Gia (Lạng Sơn) xuống, từ Võ Nhai (Thái Nguyên) lên đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa. Là địa bàn giáp ranh với Bắc Sơn, nhân dân Võ Nhai đã nhanh chóng quyên góp lương thực, thực phẩm, đồng thời cử 10 thanh niên trong đội tự vệ của huyện lên cùng quân dân Bắc Sơn chiến đấu chống lại sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù. Nhân dân huyện Phổ Yên thu nhặt sắt thép, lập lò rèn, bí mật sản xuất được 42 thanh kiếm và mã tấu gửi lên chi viện cho quân khởi nghĩa Bắc Sơn. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu.
     
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, phong trào cách mạng ở các địa phương ngày càng phát triển mạnh, thực dân Pháp đã vừa dụ dỗ, vừa đàn áp để phá cơ sở cách mạng. Chiêu bài dụ dỗ của thực dân Pháp rất nham hiểm, xảo quyệt: “chớ đi theo bọn người Kinh, bảo đảm cho những người bí mật được tự do về nhà, hay mời các cán bộ bí mật ra làm việc cho Chính phủ”[2]. Chính sách đó của thực dân Pháp nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, giữa nhân dân với những người cách mạng. Trong hoàn cảnh đó, nếu những người hoạt động bí mật chủ quan và tin chúng sẽ chẳng khác gì tự thú, sau đó chính sách của chúng là bắt, tra tấn và xử tử. Tuy nhiên, do làm tốt công tác vận động nên đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vẫn đi theo cách mạng.
     
Từ giữa năm 1941 các tổ chức Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh lần lượt ra đời và hoạt động sôi nổi khắp nơi. Thái Nguyên trở thành một trung tâm cách mạng quan trọng của cả nước; nơi ra đời, là địa bàn hoạt động chủ yếu của Trung đội Cứu quốc quân II (một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam).
     
Không đạt được mưu đồ dụ dỗ, thực dân dân Pháp đã thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp; củng cố và xây dựng thêm nhiều đồn binh, tạo thành thế bao vây, phong toả Võ Nhai; tăng cường mật thám xuống tận thôn, bản, các con đường vào rừng để truy tìm dấu vết cách mạng; tuyên truyền, phao tin đồn nhảm gây hoang mang trong quần chúng và chia rẽ nhân dân với cách mạng. Chúng bắt thân nhân những người tham gia Cứu quốc quân đem đi giam ở nhà tù Chợ Chu (Định Hoá) nhằm lung lạc ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Chúng đốt nhà, cướp của, dồn dân vào sống trong các trại tập trung ở Phú Thượng, Đình Cả, làng Giữa,… Ở các trại tập trung, chúng đều làm hàng rào tre vót nhọn bao quanh, cho lính canh gác ngày đêm, tuần phòng nghiêm ngặt, buổi tối gọi tên, điểm mặt từng người.
     
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên đã phát động quần chúng đóng góp lương thực, thực phẩm, vũ khí để cung cấp cho lực lượng vũ trang; đồng thời tổ chức các đội tự vệ Cứu quốc thành những đơn vị chiến đấu. Sau khi bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ban hành, nhiều cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên đã nhanh chóng diễn ra.
     
Tại Võ Nhai, từ ngày 21 đến 23/3, chính quyền cách mạng các xã La Hiên, Cúc Đường, Thượng Nung lần lượt ra đời. Sau khi thành lập chính quyền cách mạng xã Thượng Nung, ngày 23/3, đoàn cán bộ của Mặt trận Việt Minh và Cứu quốc quân Võ Nhai chia thành hai bộ phận, một bộ phận tiến về thành lập chính quyền cách mạng ở các xã: Vũ Chấn, Nghinh Tường, Thần Sa và Văn Lăng; một bộ phận tiến về thành lập chính quyền cách mạng ở các xã Cường Thịnh (nay là Tân Long), Hoà Bình, Lịch Sơn và Xuân Quang (nay Xuân Quang và Lịch Sơn hợp nhất thành xã Quang Sơn). Ngày 26/3, chính quyền cách mạng các xã Tràng Xá, Phương Giao, Bình Long cũng lần lượt ra đời. Ngày 10/4, chính quyền cách mạng xã Lâu Thượng, Phú Thượng cũng được thành lập.
     
Tại Định Hoá, đêm 25/3/1945, Cứu quốc quân và tự vệ bao vây đồn lính khố xanh và châu lị Chợ Chu. 3 giờ sáng ngày 26/3/1945, Ban Chỉ huy thống nhất ra lệnh nổ súng đánh đồn lính khố xanh; binh lính địch chỉ chống cự yếu ớt rồi vứt súng tháo chạy trong hoảng loạn. Thừa thắng, quân cách mạng tiến vào chiếm phủ đường, tịch thu toàn bộ sổ sách, giấy tờ và chiến lợi phẩm. Châu lị Định Hoá hoàn toàn được giải phóng, Cứu quốc quân phá nhà lao giải thoát cho hơn 200 tù nhân; phá kho thóc chia cho dân cứu đói. Bộ máy tay sai trong toàn châu Định Hoá bị xoá bỏ.
     
Tại Đại Từ, ngày 29/3/1945, đơn vị Cứu quốc quân do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy có lực lượng tự vệ các xã phía Bắc phối hợp và hàng trăm quần chúng sôi sục khí thế cách mạng kéo về bao vây tấn công quân địch tại Đại Từ. Cuộc tiến công chớp nhoáng của lực lượng vũ trang cách mạng đã làm tan rã hoàn toàn bộ máy chính quyền địch ở Đại Từ. Sáng ngày 31/3/1945, Cứu quốc quân tổ chức một cuộc mít tinh quần chúng tuyên bố chính quyền địch từ huyện đến làng, xã đã bị xoá bỏ, hiệu triệu mọi người góp công sức ủng hộ cách mạng, xây dựng chính quyền mới.
     
Trung tuần tháng 6/1945, tại thị xã Thái Nguyên, phát xít Nhật tập trung hơn 1.000 quân, tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn lên Đại Từ, Định Hoá, đánh vào căn cứ Núi Hồng để uy hiếp Tân Trào từ phía Đông Nam. Quyết tâm đánh địch, bảo vệ quê hương, bảo vệ Thủ đô Khu giải phóng, quân và dân Định Hoá, Đại Từ đã phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng chặn đánh địch quyết liệt ở nhiều nơi, bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của chúng, làm thất bại âm mưu đánh phá căn cứ Núi Hồng, bảo vệ an toàn Thủ đô Khu giải phóng Tân Trào từ phía Đông Nam.
     
Từ cuối tháng 6 đầu tháng 7/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước ở Thái Nguyên đạt tới đỉnh cao. Các tổ chức cứu quốc, đặc biệt là lực lượng tự về ở hầu khắp các huyện, xã trong tỉnh được củng cố và hoạt động tích cực, chuẩn bị về tinh thần và vật chất bước vào quá trình giành chính quyền trong toàn tỉnh mà điểm cuối cùng là giải phóng thị xã ngày 20/8/1945.
     
Việc thành lập cơ sở đảng Cộng sản đầu tiên và cuộc vận động cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Nguyên 1936 - 1945 là một chặng đường cách mạng đầy gian nan nhưng rất vẻ vang. Hơn 80 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở Thái Nguyên vẫn còn giữ nguyên giá trị; là một thực tế sinh động phản ánh đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, nghệ thuật vận động cách mạng và tổ chức lãnh đạo chớp thời cơ mau lẹ của tổ chức đảng và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên./.
Hứa Thị Kiều Hoa
(1) Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao tỉnh Thái Nguyên, Khởi nghĩa Thái Nguyên 80 năm nhìn lại, xuất bản 8/1997, tr4.
(2) Võ Nguyên Giáp, Khu giải phóng - một sự nghiệp vĩ đại của phong trào dân tộc giải phóng, Nxb Cứu quốc, 1946, tr.15


 
Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17280 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập201
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại179,006
  • Tổng lượt truy cập18,339,348
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây