Hội nghị tuyên truyền về một số điểm mới trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022 tại huyện Đồng Hỷ
Theo đó, Luật BHXH 2014 quy định, từ 2022, số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của lao động nam có sự điều chỉnh, để hưởng mức tối thiểu 45% phải đóng đủ 20 năm BHXH trở lên, thay vì 19 năm như năm 2021. Để hưởng tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam đóng đủ BHXH từ 35 năm, tăng thêm 1 năm so với năm 2021 (năm 2021 chỉ cần đóng từ đủ 34 năm trở lên). Như vậy, với cùng thời gian đóng BHXH là 20 năm thì lao động nam nghỉ hưu năm 2021 được tính tỷ lệ hưởng lương hưu là 47% và được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% khi đóng đủ 34 năm, trong khi nghỉ hưu năm 2022 lao động nam chỉ được tính hưởng 45% và được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% khi đóng đủ 35 năm. Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn, thấp nhất bằng chuẩn nghèo khu vực nông thôn từng giai đoạn và cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2022, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ thay đổi căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Mức chuẩn nghèo từ đầu năm 2022 áp dụng với khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/tháng, thay vì 700.000 đồng như trước đây. Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng mỗi tháng (trước đây là 154.000 đồng). Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định tuổi nghỉ hưu (Hướng dẫn chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động). Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường (theo Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động) năm 2022 được quy định là đủ 60 tuổi 6 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Nghị định 135/2020/NĐ-CP cũng quy định tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của NLĐ (theo Khoản 4, Điều 169 của Bộ luật Lao động: Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi): NLĐ có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi, khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu… Quy định mới cũng quy định cụ thể về tuổi nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của NLĐ theo Khoản 3, Điều 169 của Bộ luật Lao động. Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (có hiệu lực từ ngày 01/3/2021), theo đó có 1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi. Có thể nói, việc bổ sung và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT.
Đoàn Yến
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022
Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022
Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022
Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet
Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo