Thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thứ tư - 18/03/2020 22:48   Đã xem: 1678   Phản hồi: 0

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009 với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

      Hưởng ứng tích cực Cuộc vận động, trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận các cấp, ngành Công thương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng nét đẹp văn hoá trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt tại địa phương. 

      Ban Chỉ đạo Cuộc vận động từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động; triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, nhất là Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 20/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó, Cuộc vận động được lan toả sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì các mặt hàng ngoại nhập, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ như trước đây. Các doanh nghiệp cũng đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển và đưa hàng hoá đến người tiêu dùng.
      Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 và Quyết định số 634/QĐ-TTg, ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường trao đổi trực tiếp giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, quan tâm chú trọng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, như: ban hành cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng; phối hợp tổ chức các hội thảo, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…
image 20200319095701 1
Các địa phương tích cực hưởng ứng Cuộc vận động
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Ảnh: internet)
      Thông qua những giải pháp thiết thực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc kêu gọi mọi người ưu tiên dùng hàng nội, Cuộc vận động còn có ý nghĩa kích thích doanh nghiệp Việt đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã có các hàng hóa, sản phẩm uy tín, thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Viettel Thái Nguyên - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng, Doanh nghiệp tư nhân Trung Thành, Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh, Công ty Điện lực Thái Nguyên, Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Việt Bắc… Có thể nói, kết quả của Cuộc vận động không chỉ góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa tích cực trong thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước trong điều kiện tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới.
      Trong bối cảnh hiện nay, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa; tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thời gian tới, để Cuộc vận động được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên xác định cần thực hiện tốt các nội dung sau:
      Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản lãnh chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về Cuộc vận động. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền để người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng.
      Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động. Tăng cường sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đề xuất, tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở địa phương tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.
      Tăng cường vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, phân phối, lưu thông và tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, các khu dân cư, khu công nghiệp để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt…
      Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng…
      Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp. Chú trọng quan tâm làm tốt công tác tôn vinh, biểu dương, vinh danh và nhân rộng các điển hình, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt và thương hiệu trong tỉnh.
Hoàng Nhung
 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17280 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập391
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại179,530
  • Tổng lượt truy cập18,339,872
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây