Ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, niềm tin yêu của Nhân dân và truyền thống vẻ vang của Ngành

Thứ năm - 13/10/2022 21:50   Đã xem: 204   Phản hồi: 0

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Đảng đã nhận định “không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh ta và ta nhất định sẽ đánh Pháp”.

 
image 20221029085137 1
Nhà bia di tích thành lập Ban Kiểm tra Trung ương tại đồi Pụ Miếu, xóm Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá
Sau Cách mạng Tháng Tám, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa, trong đó Định Hóa là một địa điểm được lựa chọn. Cuối tháng 10 năm 1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ về Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho xây dựng căn cứ địa kháng chiến, di chuyển các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khi cần thiết. Tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt, do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, chuyên lo việc chọn địa điểm an toàn, đặt các cơ quan Trung ương. Tháng 12 năm 1946, sau một thời gian khảo sát thực tế, Đội công tác đã quyết định chọn các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã di chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ khi thành lập Đảng đến tháng 10/1948, tuy Đảng chưa phân công cán bộ và lập bộ máy kiểm tra chuyên trách nhưng Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chỉ đạo, chặt chẽ công tác kiểm tra, Người nói: “Muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới và của đồng cấp trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám có tác dụng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng chính quyền và đoàn thể chính trị các cấp. Nhờ đó, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo thành công công tác diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, chi viện đồng bào Nam Bộ chống giặc ngoại xâm. Cũng qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các cuộc vận động lớn như “Tuần lễ vàng”, “Quỹ Độc lập”, “Quỹ Nam Bộ kháng chiến”… đã thu được hàng trăm lạng vàng, bạc và hàng triệu đồng tiền mặt, không để xảy ra tình trạng thất thoát.
Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Để làm tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện sự chỉ đạo của Liên Khu ủy Việt Bắc, quý I năm 1948, Tỉnh ủy quyết định thành lập các ban chuyên môn giúp việc, trong đó có Ban Tổ chức - Kiểm tra. Ngay sau khi thành lập, Ban Tổ chức - Kiểm tra đã tiến hành kiểm tra lý lịch của tất cả đảng viên trong Đảng bộ nhằm đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tiêu chuẩn và đề phòng nội gián chui vào hàng ngũ của Đảng. Việc kiểm tra lý lịch đảng viên đã giúp Tỉnh ủy có cơ sở đánh giá đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, đồng thời cũng giúp cho tổ chức đảng các cấp làm tốt công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, ngày 16/10/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành Quyết nghị số 29-QN/TW, thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan chuyên trách giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm công tác kiểm tra Đảng. Đồng chí Trần Đăng Ninh được giao trách nhiệm tổ chức thành lập Ban Kiểm tra Trung ương gồm 3 đồng chí, do đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp làm Trưởng ban; các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình (Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy) và Hà Xuân Mỹ (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) là Ủy viên, các thành viên được bổ sung dần, lúc đông nhất có 23 đồng chí.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II, đầu năm 1949, Tỉnh ủy Thái Nguyên quyết định tách Ban Tổ chức - Kiểm tra thành hai ban Đảng vụ và Kiểm tra. Ban Kiểm tra gồm 4 đồng chí cán bộ và 1 thư ký giúp việc, do đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ban Kiểm tra đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Từ năm 1949 đến năm 1954, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã phát động nhiều cuộc vận động lớn: “Thi hành Sắc lệnh Tổng động viên và phục vụ chiến dịch”, “Phê bình và tự phê bình”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa việc phê bình và tự phê bình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là chính sách tạm vay và chính sách thuế nông nghiệp nhằm động viên lương thực trong nhân dân, phục vụ các chiến dịch ở trung du, đồng bằng và Tây Bắc để đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta nhanh chóng thắng lợi.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác kiểm tra, giám sát đã được các cấp ủy đảng quan tâm, nhất là từ sau khi thành lập Ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Mặc dù vẫn còn có nhiều hạn chế, năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác kiểm tra còn yếu nhưng hoạt động kiểm tra Đảng đã góp phần nâng cao chất lượng Đảng bộ. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với mọi mặt công tác kháng chiến, kiến quốc từng bước được phát huy, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Hiệp định Geneva (21/7/1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Công tác kiểm tra Đảng của tỉnh Thái Nguyên sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954-1965) ngày càng được chú trọng và tăng cường. Tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp tục kiện toàn Ban Kiểm tra tỉnh, phân công đồng chí Vũ Tiến Hưng, Tỉnh ủy viên, Thường trực Tỉnh ủy, phụ trách trực tiếp. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra tỉnh là tiếp tục thực hiện các quy định của Điều lệ Đảng do Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng thông qua. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 6/3/1956, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về Tăng cường công tác kiểm tra và thành lập Ban Kiểm tra các cấp từ Trung ương đến các khu, tỉnh, thành phố. Theo đó, Ban Kiểm tra có bốn nhiệm vụ:
Một là, thường xuyên kiểm tra cấp bộ đảng các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan chính quyền, các đoàn thể nhân dân và cấp bộ đảng các địa phương về những việc mà cấp ủy đảng và đảng viên thuộc những tổ chức đó chống lại hoặc làm sai Điều lệ và kỷ luật của Đảng.
Hai là, thường xuyên kiểm tra việc thi hành đường lối, chính sách và chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chủ yếu trong giai đoạn này là việc thực hiện kế hoạch nhà nước và trấn áp các phần tử gián điệp, phá hoại.
Ba là, kiểm tra việc thi hành dân chủ trong Đảng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, lạm dụng chức vụ.
Bốn là, hướng dẫn công tác kiểm tra cho các cấp ủy đảng.
 Công tác kiểm tra của các cấp bộ đảng trong tỉnh ngày càng tiến bộ, có tác dụng tốt đối với việc giữ gìn kỷ luật của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nội dung công tác kiểm tra thời gian này cũng toàn diện hơn trước. Hoạt động kiểm tra ngày càng đi vào nền nếp. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng từng bước được củng cố và kiện toàn.
Giai đoạn 1965 - 1975, đất nước bước vào thời kỳ vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và chi viện chiến trường miền Nam. Lúc này, Thái Nguyên trong bối cảnh vừa sáp nhập tỉnh, công tác kiểm tra của Đảng bộ tỉnh tập trung phục vụ nhiệm vụ “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Nhờ có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng, nên công tác kiểm tra của các cấp bộ đảng trên địa bàn Thái Nguyên đạt được kết quả tốt. Nhận thức về công tác kiểm tra của các cấp ủy huyện bước đầu có chuyển biến tích cực, chất lượng đội ngũ đảng viên ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở được nâng cao hơn, thể hiện ở tinh thần trách nhiệm được đề cao và việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cũng tốt hơn.
Giai đoạn 1975 - 1986 là thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật của Đảng luôn được tăng cường. Một số chi, đảng bộ cơ sở yếu kém bước đầu đã có những chuyển biến tốt. Việc xử lý đảng viên nói chung được kịp thời, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, công minh, chính xác và thận trọng, nên đã củng cố niềm tin của quần chúng, có tác dụng tốt đến công tác giáo dục đảng viên.
Giai đoạn 1986 - 1996, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Đảng cũng được bổ sung, sửa đổi từ nhiệm vụ “kiểm tra những vụ đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) vi phạm Điều lệ Đảng”… chuyển sang nhiệm vụ “kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) chấp hành Điều lệ Đảng”… Như vậy, đối tượng và nội dung kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra rộng hơn so với trước. Ủy ban Kiểm tra các cấp phải kiểm tra mọi đảng viên, kể cả có dấu hiệu vi phạm và không có dấu hiệu vi phạm. Trải qua 10 năm, công tác kiểm tra Đảng nói chung và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ nói riêng, có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng làm trong sạch tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Đó là nhân tố có tính quyết định thúc đẩy các mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển. Thông qua đó, Đảng bộ hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để tiếp tục chỉ đạo công tác kiểm tra trong những năm tiếp theo.
Từ năm 1997 đến nay, để góp phần đưa đất nước chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngoài công tác kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ thường xuyên duy trì công tác kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của đảng bộ cấp trên. Công tác kiểm tra nói chung và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực, nhằm giữ vững kỷ luật của Đảng, góp phần hạn chế sự vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948  - 16/10/2008), Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thái Nguyên xây dựng Nhà bia di tích lịch sử - nơi ra đời và trụ sở làm việc của Ban Kiểm tra Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tại đồi Pụ Miếu, thôn Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và cắm mốc các địa điểm Ban Kiểm tra Trung ương làm việc; xây dựng khuôn viên Khu Di tích, Nhà Văn hóa cộng đồng, phục vụ sinh hoạt văn hóa của nhân dân và khai thác dịch vụ du lịch vùng An toàn khu Định Hóa.
Đồi Pụ Miếu hiện nay, vẫn còn đó cây gội cổ thụ, vòng thân 3 người ôm, với 4 nhánh lên xanh là vật chuẩn, cột mốc ghi dấu nơi ở và làm việc của Ban Kiểm tra Trung ương trong những năm kháng chiến chống Pháp tại ATK Định Hóa. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia số 09/2007/QĐ-BVHTTDL, ngày 17/9/2007.
Hiện nay, khi hành hương về di tích Quốc gia đặc biệt An Toàn Khu (ATK) Định Hóa, chúng ta đều đến thăm địa điểm Nhà bia di tích thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng ở đồi Pụ Miếu, xóm Đồng Vinh, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi ghi dấu công tác kiểm tra đầu tiên của Đảng.
Trải qua gần 75 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành Kiểm tra Đảng đã không ngừng lớn mạnh và có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua các thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm gay go, ác liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết, vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; liên tục, bền bỉ phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của ngành. Đánh giá về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:Các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức.
Cùng với sự hình thành và phát triển của Ngành kiểm tra Đảng, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên, nay là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên được Ban Thường vụ Trung ương Đảng cho phép được thành lập rất sớm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Ngay từ quý IV năm 1948, hầu hết các cấp ủy đã sớm ổn định tổ chức của Ban Kiểm tra các cấp, chỉ đạo khắc phục khó khăn, đưa hoạt động của ủy ban kiểm tra đi vào nền nếp. Cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định.
Những năm gần đây, Ngành Kiểm tra Đảng tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tích nổi bật. Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần 2. Đó chính là sự khẳng định của Đảng và Nhà nước đối với những cố gắng của cán bộ Ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh nói chung và cán bộ công chức cơ quan UBKT Tỉnh ủy nói riêng, góp phần vào thành tích chung trong công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong công tác xây dựng Đảng, những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và sự phát triển chung của tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBKT các cấp đã chủ động tham mưu với Cấp ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm của cấp mình. Đồng thời, chỉ đạo UBKT các cấp xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của UBKT và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch đã xây dựng. Nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát đều hướng vào nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ thiết thực phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của tỉnh.
image 20221029085325 4
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu tại tại buổi làm việc với Huyện ủy Phú Lương
Cùng với việc thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát theo điều 30 Điều lệ Đảng, Uỷ ban kiểm tra các cấp còn chủ động thực hiện các cuộc kiểm tra theo điều 32 Điều lệ Đảng. Đặc biệt, những năm gần đây, trước những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà dư luận xã hội và nhân dân quan tâm, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo UBKT cấp mình tập trung kiểm tra, giám sát vào các lĩnh vực: Bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; các công trình dự án trọng điểm của tỉnh…; đồng thời, UBKT các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; tích cực giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên, giải quyết khiếu nại, kỷ luật đảng…
Qua các cuộc kiểm tra, đã chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm và kịp thời xử lý nghiêm minh những vi phạm, đồng thời uốn nắn, giáo dục, phòng ngừa các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở các đảng bộ.
Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn, UBKT Tỉnh uỷ và UBKT các đảng bộ trực thuộc tỉnh còn thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII  về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm tra “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, tận tụy”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; hạn chế, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém; phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực ngay từ khi mới phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy và UBKT các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát để cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và xác định trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này.
Nắm vững và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, của cấp mình để thực hiện cho đúng; xem xét, kết luận một cách khách quan, công tâm việc chấp hành của tổ chức Đảng và đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp cấp uỷ trong công tác kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ của Uỷ ban Kiểm tra đạt hiệu quả, có chất lượng.
Hai là: Cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ, nhất là người đứng đầu phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; đồng thời, tạo điều kiện để uỷ ban kiểm tra thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm của mình và tham mưu cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát.
Ba là: Thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát: giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình, phát hiện sớm các thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời ngăn ngừa, không để phát sinh thành các vi phạm, khuyết điểm lớn. Trong công tác kiểm tra, phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính, đồng thời xử lý nghiêm minh những vi phạm đã được kết luận rõ, nhưng phải đảm bảo khách quan, trung thực và thấu lý, đạt tình.
Bốn là: UBKT các cấp cần tích cực và chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ trong việc xây dựng Chương trình và tổ chức thực hiện tốt Chương trình kiểm tra, giám sát đã đề ra; trong đó, cần xác định kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiêu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, đồng thời lựa chọn một số lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm, địa bàn trọng điểm, dễ phát sinh vi phạm để tiến hành kiểm tra, giám sát như: quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cải cách hành chính, những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, sách nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân và doanh nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của Đảng và Nhà nước.
Bám sát tư tưởng chỉ đạo của ngành, giữ vững mối quan hệ giữa Uỷ ban Kiểm tra cấp trên với Uỷ ban Kiểm tra cấp dưới. Quá trình kiểm tra, giám sát phải kiên quyết làm rõ đúng, sai và có biện pháp xử lí một cách chính xác, công minh, kịp thời. Kiểm tra, giám sát phải có kết luận rõ ràng, không chung chung để đối tượng được kiểm tra, giám sát có phương hướng khắc phục, sửa chữa.
Năm là: Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có đủ năng lực, trình độ, có kinh nghiệm, bản lĩnh, có tinh thần chiến đấu cao, có phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan trong xử lý công việc. Thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp.
Với truyền thống và vinh dự tự hào là nơi ra đời của Ngành Kiểm tra Đảng “ATK nơi ghi dấu công tác kiểm tra của Đảng”, toàn ngành Kiểm tra Đảng trong Đảng bộ tỉnh ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, tích cực “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; quyết tâm hoàn thành toàn diện chương trình công tác đã đề ra đạt chất lượng hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, niềm tin yêu của nhân dân và truyền thống vẻ vang của Ngành: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, tận tụy”./.
Ths. Hoàng Văn Hùng
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)
 
 
 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:958 | lượt tải:199

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:935 | lượt tải:271

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1042 | lượt tải:225

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16898 | lượt tải:4226

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:16969 | lượt tải:4029

Thống kê website

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay325
  • Tháng hiện tại12,464
  • Tổng lượt truy cập17,503,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây