Thái Nguyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công

Thứ ba - 21/07/2020 11:41   Đã xem: 1086   Phản hồi: 0

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và bằng những việc làm cụ thể tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước.

      Là tỉnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Thái Nguyên một lòng theo Đảng, có nhiều cống hiến, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ tháng 2/1947, hàng trăm thương binh của Trung đoàn Thủ đô được chuyển về xã Lục Ba, huyện Đại Từ để chăm sóc, chữa chạy nhưng điều kiện ăn ở, thuốc men của thương binh rất hạn chế. Bà Bá Huy, Bí thư Hội phụ nữ Cứu quốc xã Lục Ba cùng với chính quyền vận động nhân dân trong xã góp tre, nứa, lá cọ và công sức dựng 10 gian nhà, lập nên An dưỡng đường số 1 vào tháng 6/1947 - cơ sở nuôi dưỡng thương binh đầu tiên ở nước ta. An dưỡng đường số 1 còn được gọi là An dưỡng đường bà Bá Huy. Nhân dân Lục Ba còn ủng hộ thương binh 5 mẫu ruộng, 6 tấn thóc và 2 con trâu, trong đó bà Bá Huy ủng hộ 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu để anh em tổ chức sản xuất, cải thiện. Ngoài ra, bà Bá Huy còn vận động chị em phụ nữ trong vùng lấy chồng thương binh, trong số đó, chị Trần Thị Lệ (cháu gọi bằng thím) lấy anh thương binh Đỗ Công Chức, chị Nguyễn Thị Tình lấy anh thương binh Phí Văn Thuyên.
      Ngày 27/7/1947, bà Bá Huy được Bác Hồ gửi thư khen. Trong thư, Bác viết:
Thưa bà,
Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một An dưỡng đường cho thương binh…
Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và ngợi khen bà.
Đồng thời tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường "BÀ BÁ HUY".
Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh.
      Thời gian này ở xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ còn An dưỡng đường số 2 do cụ Đặng Văn m, một nông dân khá giả đã hiến một nửa gia sản (gồm ngôi nhà 8 gian, gần 2ha ruộng lúa xen với đầm cá, đàn bò 4 con cùng 1 con ngựa thồ) cùng nhân dân trong xã lập nên. Từ 1947 đến 1954, hàng ngàn thương binh đã điều trị tại đây. 
      Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”. Từ ý tưởng, chủ trương đó của Bác, Ban vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” được thành lập. Đầu tháng 7/1947, tại Đại Từ, Ban vận động họp thống nhất chọn ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc để báo cáo lên Bác Hồ. Bác nhất trí và có thư trả lời.
       Chiều ngày 27/7/1947, Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng cuộc mít tinh tổ chức tại gốc đa xóm Bàn C (nay thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ). Khoảng 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư­ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.       Trong thư Bác viết:
“… Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”.
“… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”.
      Từ đó, ngày 27/7 hàng năm được chọn là Ngày Thương binh toàn quốc, đến tháng 7/1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ.
      Kỉ niệm 50 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/1997), địa điểm tổ chức cuộc mít tinh công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.  Nhân dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng và tổ chức khánh thành  Khu Di tích 27/7. Năm 2007, Đảng và Nhà nước đã cho quy tụ chân hương của các di tích, nghĩa trang lớn trên khắp cả nước như: Đền Bến Dược (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9…và rước bát hương về thờ tại Khu Di tích 27/7.
      Qua quá trình đấu tranh cách mạng giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đến nay tỉnh Thái Nguyên có trên 130.000 người có công với cách mạng, trong đó, 580 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 10.821 liệt sĩ, 7.189 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Toàn tỉnh có 79 nghĩa trang liệt sĩ  với 3.321 mộ liệt sĩ; 101 mộ liệt sĩ đang được quản lý tại các hộ gia đình. 2 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia là Khu Di tích 27-7 và Khu Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có công trình tưởng niệm, ghi công liệt sĩ.
      Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Nguyên luôn quan tâm thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng với nhiều hoạt động thiết thực. Công tác vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành phong trào sâu rộng, đi vào nền nếp, nhận được đóng góp của các cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.  Năm 2019 toàn tỉnh vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được 7.365 triệu đồng, đạt 113,3% kế hoạch. Cũng trong năm 2019, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công và thân nhân nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 (dịp Tết Nguyên đán tặng 64.271 suất quà, trị giá 18.708 triệu đồng; dịp 27/7/2019 tặng 9.326 suất quà, trị giá 3.006 triệu đồng); viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) và Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang); toàn tỉnh xây mới, tu bổ, tôn tạo 25 công trình ghi công liệt sĩ. Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh (Ban chỉ đạo 515) đã hội thảo, kết luận thông tin và tổ chức cất bốc, quy tập, truy điệu, an táng 38 mộ liệt sĩ chống Pháp. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cung cấp trích lục thông tin của 1.822 liệt sĩ quê Thái Nguyên hy sinh trên địa bàn cả nước phục vụ công tác kết luận địa bàn, tìm kiếm thông tin. Sở Y tế phối hợp tổ chức thăm hỏi, khám chữa bệnh tại gia đình cho 25 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với tổng số tiền trên 50 triệu đồng; chỉ đạo các cơ sở y tế khám, cấp thuốc miễn phí cho thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường trú trên địa bàn nhân dịp Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Thái Nguyên và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thực hiện các hoạt động tri ân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng, vận động các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
      Pháy huy truyền thống của quê hương cách mạng - nơi xuất hiện những tấm gương chăm lo nuôi dưỡng, săn sóc thương binh, bệnh binh; nơi ra đời Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công, không ngừng phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tạo động lực góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Hà Minh Lợi
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập221
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại177,865
  • Tổng lượt truy cập18,338,207
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây