Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục

Thứ ba - 23/04/2019 03:08   Đã xem: 795   Phản hồi: 0

Hiện nay bạo lực học đường đang có xu hướng lan rộng với độ phức tạp ngày càng cao do tác động của tâm sinh lý lứa tuổi, lối sống, gia đình, mạng xã hội và nhiều nguyên nhân xã hội khác; vấn nạn này có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến các em học sinh, giáo viên, đồng thời cũng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục là phải chủ động, phối hợp thực hiện các giải pháp để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Ngày 12/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về “Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục”; trong đó, yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, đơn vị thuộc Bộ quan tâm triển khai các nội dung như: tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình, cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường; phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa, can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường; xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức ở địa phương để đảm bảo an ninh, an toàn trường học, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường; xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, đoàn, đội…
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị triển khai các nội dung của Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT, văn bản quy định trong việc xây dựng trường học an toàn, lành mạnh và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo kế hoạch triển khai đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống bạo lực học đường áp dụng trong các trường phổ thông. Hội nghị được truyền hình trực tiếp đến 63 điểm cầu cấp tỉnh và 603 điểm cầu cấp huyện với gần 20.000 người tham gia dự. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình làm tốt việc phòng, chống bạo lực học đường, đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm giảm thiểu vấn nạn bạo lực học đường hiện nay; thống nhất về nhận thức vấn đề phòng, chống bạo lực học đường là nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo, học sinh, cán bộ công chức trong nhà trường và của phụ huynh học sinh.
Với đội ngũ nhà giáo toàn quốc hiện nay gần 1,5 triệu người thì đây chính là lực lượng quan trọng, yếu tố quyết định trong việc đẩy lùi bạo lực học đường. Trong thời gian tới, ngành giáo dục phải nâng cao vai trò của các trường sư phạm, trú trọng tuyển sinh những sinh viên đáp ứng đủ các yêu cầu về năng lực, phẩm chất đạo đức của nhà giáo tương lai; xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đổi mới chương trình giáo dục, đưa chương trình giáo dục giá trị sống, tâm lý học vào các nhà trường để mỗi thầy, cô giáo là một người tư vấn tâm lý; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nhận diện bạo lực học đường; đẩy mạnh tuyên dương, nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt; quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phòng, chống bạo lực học đường, đảm bảo môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
Diệp Huyền
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây