Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Đồng Hỷ

Thứ tư - 19/01/2022 20:25   Đã xem: 488   Phản hồi: 0

     Đồng Hỷ là huyện miền núi với diện tích đất tự nhiên là 427,73 km2, gồm 15 đơn vị hành chính (13 xã và 2 thị trấn), dân số trên 93.300 người. Trên địa bàn huyện có 11 chợ; 2.150 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, 425 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 216 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 19 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 110 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trên 3.600 ha chè, bước đầu đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất rau, củ, quả. Từ nhận thức, an toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP luôn được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị của huyện Đồng Hỷ quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả.
     Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới”; Hướng dẫn số 29-HD/BTGTW-BCSĐBYT, ngày 12/12/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, huyện Đồng Hỷ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 11/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020”. Ngành Y tế của huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truyên truyền, vận động các nhóm đối tượng (các nhà quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm) với nhiều hình thức phù hợp như: Tổ chức hội nghị tuyên tuyên truyền; căng treo băng rôn, cấp phát tờ rơi; thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP; xây dựng phóng sự, phát thanh trên cụm loa FM ...; tổ chức các đợt cao điểm về ATTP hằng năm như: Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, các Lễ hội trên địa bàn; phát động các phong trào bảo đảm ATTP để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của ATTP. Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2021, huyện đã phát trên 160 lượt thông điệp, 790 buổi phát thanh về ATTP trong các dịp lễ tết và tháng cao điểm vệ sinh ATTP… với độ bao phủ trên 500.000 lượt người; căng treo 415 băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, nơi tập trung đông dân cư và tại các chợ; tổ chức 21 buổi tập huấn chuyên môn, hội nghị chuyên đề về ATTP với trên 2500 lượt người tham dự; phát trên 18.000 tờ rơi hướng dẫn, tuyên truyền về ATTP. Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện xây dựng phóng sự, đưa tin, bài về các hoạt động ATTP, tình hình sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không đảm bảo ATTP trên địa bàn; phát đĩa CD truyền thông đảm bảo ATTP; tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho các chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh ATTP, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
     Công tác quản lý nhà nước về ATTP đã được các cấp chính quyền quan tâm. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn người dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy trình an toàn. Năm 2011, toàn huyện mới có 01 mô hình với diện tích 8,7ha sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hòa Bình. Đến nay, toàn huyện đã có 295 ha chè, 05 ha rau, 40 ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGap. Tổng kinh phí hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm chè là 2,8 tỷ đồng. Xây dựng và hình thành vùng chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại xã Hợp Tiến, Tân Lợi, Cây Thị, Nam Hòa. Ngành Y tế tổ chức, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP theo phân cấp quản lý. Đặc biệt, để phát huy tiềm năng và thế mạnh của huyện, các địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đến nay, huyện Đồng Hỷ đã có 18 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao.
     Để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, ngoài ý thức của mỗi người dân, tinh thần tự giác thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, công tác kiểm tra là hết sức cần thiết. Hằng năm, UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện. Đặc biệt là kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở dân tộc bán trú trên địa bàn huyện tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra đột xuất, kiểm tra thường xuyên vào các dịp lễ, tết. Trong 10 năm (2012 - 2021), toàn huyện đã tổ chức 25 đợt (86 đoàn) kiểm tra 1.959 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; qua kiểm tra đã phát hiện 91 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền là 80.922.000 đồng, 4 cơ sở phải tiêu hủy hàng hóa trị giá 38.607.000 đồng.
image 20220120082607 1
Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 của tỉnh về ATTP kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Đồng Hỷ năm 2021
     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATTP của huyện Đồng Hỷ còn có một số tồn tại, hạn chế như: Ban Chỉ đạo ATTP ở một số xã, thị trấn hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa phân công rõ trách nhiệm quản lý ATTP cho từng ngành theo quy định; việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm còn chưa thường xuyên; công tác thống kê, báo cáo thường kỳ, đột xuất… của một số đơn vị chưa đảm bảo theo quy định. Một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện chưa đáp ứng đủ điều kiện cam kết và cấp giấy chứng nhận ATTP; việc kiểm soát dịch bệnh trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật còn hạn chế.
     Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác ATTP, huyện Đồng Hỷ đã đưa ra và triển khai các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về ATTP. Các phòng, ban, ngành liên quan của huyện tăng cường sự phối hợp trong công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách ATTP trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác ATTP ở các địa phương và các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng ATTP, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Xây dựng các tiêu chí về vệ sinh ATTP gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh, vận động nhân dân thay đổi những thói quen, phong tục, tập quán ăn uống mất vệ sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe...
                                                                                         Hứa Thị Kiều Hoa
        


 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây