Thái Nguyên: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân

Thứ tư - 19/08/2020 21:59   Đã xem: 906   Phản hồi: 0

       Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị thuộc công tác tuyên giáo của Đảng. Những năm qua, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL ở Thái Nguyên được thực hiện thường xuyên và có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

      Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã biên soạn, cung cấp tài liệu, đề cương tuyên truyền pháp luật, cử báo cáo viên trực tiếp phổ biến văn bản pháp luật tại hội nghị theo yêu cầu của các ngành, địa phương. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật tại hội nghị báo cáo viên, giao ban báo chí, giao ban cộng tác viên dư luận xã hội thường kỳ; đăng tải các quy định pháp luật mới, quan trọng trong cuốn "Thông báo nội bộ" do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát hành hằng tháng gửi đến các chi bộ trên địa bàn tỉnh…. Công tác phối hợp PBGDPL giữa các ngành và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được triển khai có hiệu quả thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đối với cơ sở, việc tổ chức tuyên truyền pháp luật được thực hiện trong buổi sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư, các loại hình câu lạc bộ, qua đó pháp luật được tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp đến người dân.
      Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên phối hợp với các địa phương, đơn vị mở chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến và tìm hiểu pháp luật như: Chuyên mục "Giải đáp - Phổ biến pháp luật", “An ninh Thái Nguyên”, “Pháp luật và đời sống”, “An toàn giao thông”, “Văn bản chính sách mới” trên sóng phát thanh - truyền hình và báo in, báo điện tử,… Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, thành phố, thị xã đã dành thời lượng thích hợp hằng tuần phát trên truyền thanh truyền hình chương trình PBGDPL; sao in và phát đĩa tuyên truyền pháp luật cho xã, phường, thị trấn để phát thường xuyên trên hệ thống cụm loa truyền thanh ở cơ sở. Đây là hình thức PBGDPL có hiệu quả cao, được tiến hành thường xuyên, liên tục, giúp cho cán bộ và nhân dân tìm hiểu và chấp hành pháp luật.
       Dưới dạng thi viết, sân khấu hoá, nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật được phát động và tổ chức đạt kết quả cao như: Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự”, “Tìm hiểu pháp luật về giao thông đường bộ”; Hội thi Hoà giải viên giỏi, Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi trong các trường trung học phổ thông; Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Hội thi "Cán bộ Công đoàn với kiến thức pháp luật"... Các cuộc thi này có tác dụng tuyên truyền rộng rãi và hiệu quả đối với người tham gia, giúp cho cán bộ, nhân dân có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.
      Hiện nay, trường học được các nhà quản lý đánh giá là một kênh tuyên truyền pháp luật có tác dụng rất lớn. Với số lượng hàng chục ngàn sinh viên, học sinh tại trường đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh, công tác PBGDPL luôn được các nhà trường triển khai thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là các nội dung tuyên truyền về Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy, Luật Hôn nhân gia đình, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm…Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều xây dựng kế hoạch PBGDPL để đưa vào chương trình giáo dục ở các bậc học; phối hợp với Sở Tư pháp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục công dân, tổ chức các chương trình tuyên truyền pháp luật, nói chuyện pháp luật tại các nhà trường khi có yêu cầu.
Day manh cong tac tuyen truyen PBGDPL
Quang cảnh tiết học môn giáo dục công dân tại Trường THPT Gang Thép
 có lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho học sinh
       Hoạt động PBGDPL qua công tác xét xử của ngành Toà án ở địa phương được quan tâm thực hiện; thông qua việc xét xử công khai và lưu động các vụ án đã góp phần tích cực trong tuyên truyền, PBGDPL đến nhân dân, phòng ngừa tội phạm. Trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, toà án  đã quan tâm đến công tác hoà giải nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh từ mâu thuẫn, tranh chấp dân sự trong nhân dân. Đội ngũ hoà giải viên cơ sở được tăng cường và thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác hoà giải ở cơ sở đã góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vướng mắc trong nhận thức về pháp luật và những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình cảm trong gia đình, đoàn kết xóm, phố, ngăn ngừa vi phạm, tội phạm, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. 
      Ngoài các hình thức trên, công tác tuyên truyền, PBGDPL ở Thái Nguyên còn được thực hiện có hiệu quả thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật; công tác thi hành án dân sự; hoạt động tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, Đoàn Luật sư; tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư; xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở, trong các phong trào thi đua yêu nước khác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn Thái Nguyên còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc phối hợp triển khai tổ chức thực hiện PBGDPL chưa đồng bộ và kịp thời; đội ngũ làm công tác PBGDPL còn hạn chế về kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng PBGDPL; phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh có sự khác nhau, địa bàn PBGDPL trải rộng; một số ít người dân có biểu hiện coi thường pháp luật...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
      Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác PBGDPL. Coi công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân theo chức năng, nhiệm vụ của cấp mình.
      Thứ hai, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí của tỉnh và đội ngũ báo cáo viên các cấp trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; bảo đảm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời, đầy đủ đến toàn thể nhân dân.
      Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở, trong đó chú trọng xây dựng và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với nguyện vọng và trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số.
      Thứ tư, đa dạng hóa nội dung và hình thức PBGDPL. Những hình thức PBGDPL phát huy hiệu quả cần được tiếp tục triển khai sâu rộng như PBGDPL thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống.
      Thứ năm, Công tác PBGDPL phải gắn với nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của nhân dân; khơi dậy tính tích cực trong mỗi người dân, có phương thức tác động làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, cách tiếp cận pháp luật trong nhân dân./.         
                                                                                                                                                                                                                             Hứa Thị Kiều Hoa
                                                                                                                                                                                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên                                                     
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây