Giữ nguyên thời hạn lắp camera giám sát xe kinh doanh vận tải

Thứ hai - 31/05/2021 03:16   Đã xem: 285   Phản hồi: 0

     Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa bác đề xuất lùi thời hạn thực hiện lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Trước đó, vào cuối năm 2020, Hiệp hội này cũng đã gửi kiến nghị tương tự lên Bộ Giao thông Vận tải nhưng cũng không được chấp thuận.
     Trong văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp vận tải triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; đồng thời cũng bác đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm về lắp camera theo quy định tại Nghị định 10 mà Hiệp hội Vận tải Việt Nam đưa ra.
image 20210531141649 1
Hoạt động vận tải hành khách công cộng tỉnh Thái Nguyên
     Việc lắp đặt camera là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông. Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, từ ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu giữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
     Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Quy định trên, sau khi chính thức có hiệu lực, sẽ mang tới một công cụ hỗ trợ đắc lực mới cho lực lượng chức năng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát hoạt động của xe kinh doanh vận tải.
     Về mặt chức năng, camera giám sát có nhiều nét tương đồng với thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) nhưng cơ chế hoạt động và hiệu quả mang lại được kỳ vọng sẽ ưu việt hơn rất nhiều.
     Việt Nam là một trong số những quốc gia có số vụ tai nạn giao thông thuộc loại cao trên thế giới. Chính vì thế, các quy định nhằm giám sát, ngăn ngừa những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, nhằm hạn chế số vụ tai nạn, tình trạng chèn ép và hành hung hành khách, cần được áp dụng nghiêm. Mục tiêu cuối cùng là giúp các chủ xe, tài xế và cả hành khách chấp hành nghiêm luật pháp giao thông và an toàn giao thông. Từ đó, các chủ xe và doanh nghiệp vận tải cũng hạn chế được thiệt hại về tài sản, kinh tế. /.
 Lưu Đường Tăng




 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây