Thực trạng và mức xử phạt đối với việc thả rông gia súc, vật nuôi ngoài đường và nơi công cộng

Thứ hai - 04/10/2021 05:54   Đã xem: 853   Phản hồi: 0

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng như các địa phương khác trong cả nước thường xuyên xảy ra tình trạng chăn thả gia súc, vật nuôi thả rông ngoài đường và tại những nơi công cộng, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

     Không khó để có thể thấy ở nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn, thậm chí đường quốc lộ, tỉnh lộ, tình trạng thả rông gia súc, gia cầm, vật nuôi vẫn đang phổ biến và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra do người tham gia giao thông va quệt, không phản ứng kịp khi gia súc, gia cầm, vật nuôi ngang nhiên đi trên đường. Ngoài ra, tình trạng thả rông vật nuôi của người dân không những tạo cơ hội cho các đối tượng trộm cắp ra tay hoạt động mà việc thả rông vật nuôi (đặc biệt là chó) dẫn đến gây thương tích cho người, thậm chí là cắn chết người cũng là một tình trạng đáng báo động hiện nay.
     Pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định rất rõ ràng về các hình thức vi phạm cũng như mức xử phạt, tuy nhiên tình trạng chăn, thả gia súc, vật nuôi trên đường vẫn đang tồn tại và tiếp tục diễn ra. Việc xử phạt hành chính về vấn đề này ở một số địa phương cũng rất khó khăn và một số cơ quan chức năng cũng chưa thật sự quan tâm đến việc xử phạt các trường hợp thả rông gia súc, vật nuôi trên đường.
 

4 vật nuôi

Tình trạng vật nuôi (đặc biệt là chó) thả rông vẫn khá phổ biến

     Để hạn chế trường hợp thả rông gia súc, vật nuôi trên các tuyến đường giao thông, các tổ chức, cá nhân cần chấp hành nghiêm các quy định; ý thức hơn nữa trong việc quản lý gia súc, vật nuôi, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, gìn giữ cảnh quan môi trường công cộng, bảo vệ cây xanh, trật tự mỹ quan trên địa bàn.
     Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định: Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn (khoản 1, Điều 34). Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới (khoản 2 ,Điều 34). Không được thả rông súc vật trên đường bộ (điểm c, khoản 2, Điều 35).
     Ngoài ra, tại Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các nghị định của Chính phủ cũng đã quy định rất rõ ràng và hướng dẫn cụ thể mức độ xử lý đối với trường hợp người chăn nuôi thả rông gia súc để xảy ra tai nạn cho người đi đường; với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn.

Hoàng Nhung

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây