Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn

Thứ hai - 04/10/2021 05:58   Đã xem: 948   Phản hồi: 0

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mật độ các phương tiện giao thông của Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã tăng lên rất nhanh chóng. Trước sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông thì tình hình hoạt động giao thông vận tải (GTVT), đặc biệt là giao thông đường bộ cũng có những diễn biến phức tạp, tình trạng phương tiện giao thông đông, giao thông bị ùn tắc, không đảm bảo sự an toàn... Vì vậy, để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đòi hỏi sự góp sức, phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành, đơn vị trong lĩnh vực GTVT.

     Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng đổi mới và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về GTVT. Trong đó, đặc biệt chú trọng và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái trên địa bàn; quyết liệt trong xử lý và kiểm soát xe quá khổ, quá tải chở hàng nhằm hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
image 20211004170057 1
Lực lượng vận tải của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn (Nguồn ảnh: Internet)
     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 19 đơn vị vận tải khách tuyến cố định với 359 xe; 29 đơn vị vận tải taxi với 1.645 xe; 05 đơn vị vận tải khai thác 11 tuyến xe buýt với 158 xe; trên 500 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với trên 750 xe; trên 1.600 đơn vị vận tải hàng hóa với trên 3.500 xe được Sở GTVT cấp giấy phép và phù hiệu kinh doanh vận tải. Đường thủy nội địa có 53 phương tiện đăng ký hoạt động, chủ yếu là đò ngang vận chuyển khách qua sông, vận tải vật liệu xây dựng, hàng hóa trên hai tuyến sông Cầu, sông Công và vận tải hành khách du lịch trên hồ Núi Cốc. Ngoài ra, tỉnh hiện có 06 bến xe khách đang hoạt động và đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 05 bến xe mới; trong 9 tháng năm 2021, các bến xe trên địa bàn phục vụ trên 800.000 lượt hành khách tại bến. Các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ của tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ theo quy định trên địa bàn và khu vực lận cận với năng lực kiểm định khoảng 240.000 lượt/ năm. Các đơn vị đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã tổ chức sát hạch; mỗi năm cấp khoảng 15.000 GPLX ô tô, 30.000 GPLX mô tô... Có thể nói, lực lượng vận tải của tỉnh được duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu và phục vụ Nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn. 
     Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian gần đây, ngành giao thông vận tải nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh nói riêng đã linh hoạt, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản để đảm bảo công tác vận tải hành khách, người lao động và hàng hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
     Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Sở GTVT tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về lĩnh vực GTVT; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải, phương tiện. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và đăng kiểm phương tiện đáp ứng nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về an toàn giao thông; kiên quyết xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe vi phạm. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải trên địa bàn.
Hoàng Nhung
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây