Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là yêu cầu của công cuộc đổi mới

Chủ nhật - 28/10/2018 22:08   Đã xem: 5145   Phản hồi: 0

Trong những năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết đánh giá công tác lý luận, xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác lý luận nói chung, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nói riêng, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 18/3/2002 về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X (Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01/8/2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới); Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030. Đặc biệt, Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị khóa VII về “Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” đánh dấu một bước chuyển mới cả trong nhận thức về vai trò của công tác lý luận lẫn trong khâu tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác lý luận của Đảng. Người chỉ rõ “Lý luận và thực tiễn phải gắn liền với nhau”. Bác là người xử lý rất thành công trên tầm của một triết gia về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn: lý luận hóa thực tiễn, tức là nâng thực tiễn thành lý luận, rồi thực tiễn hóa lý luận, tức là trả lý luận về thực tiễn để thực hành. Bác dạy: Thực hành sinh ra hiểu biết - Hiểu biết sinh ra lý luận - Lý luận lãnh đạo thực hành. Bác nhấn mạnh: lý luận mà không thực hành là lý luận suông, vô ích còn thực tiễn không có lý luận soi đường là thực tiễn mù quáng. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, in lần đầu tiên năm 1927 ở Quảng Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mệnh trước hết phải có gì?” và Người nêu rõ: “Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam[1]”.  Như vậy, lãnh đạo trước hết phải có lý luận tiên phong, phải có đột phá về lý luận để dẫn đường cho sự phát triển của xã hội.
Để góp phần làm rõ, bổ sung và hoàn thiện nền tảng tư tưởng của Đảng; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, ngày 08/02/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/TW về “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận” (sau đây viết tắt là Hướng dẫn số 02-HD/TW). Căn cứ vào Hướng dẫn của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ.
Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận (sau đây viết tắt là tổng kết, nghiên cứu) trong phạm vi toàn Đảng là vấn đề gần đây mới được triển khai. Đây cũng là một nội dung khó, vì phạm vi tổng kết rất rộng, bao gồm sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện những nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Đảng đã ban hành để tiếp tục chỉ đạo thực hiện; những mô hình mới, những cách làm hay cần đánh giá, kết luận để nhân rộng; những vấn đề lớn, quan trọng trong Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước khi tổ chức thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết; chuẩn bị cho việc ban hành các nghị quyết mới của Đảng, nhất là các văn kiện đại hội đảng các cấp.
Để triển khai, thực hiện việc tổng kết, nghiên cứu đạt kết quả, Ban Bí thư gợi ý 04 lĩnh vực cụ thể: Kinh tế; Văn hóa, xã hội; Quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong từng lĩnh vực, có rất nhiều nội dung mà Trung ương đã ra chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo thực hiện, nay có thể tổng kết, nghiên cứu để đánh giá kết quả, đúc rút bài học, chỉ ra phương hướng thực hiện trong giai đoạn tới. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bao gồm: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; công tác tổ chức cán bộ (tuyển dụng, đánh giá, quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm...); những kinh nghiệm hay, mô hình mới trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, cải cách hành chính…
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về tổng kết, nghiên cứu; giao các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện, thành, thị ủy, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế lựa chọn tổng kết, nghiên cứu những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ; nhất là những mô hình mới, cách làm hay, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đề xuất Ban Chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu cấp tỉnh chỉ đạo.
1 (3)
Quang cảnh Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII
(Ngày 25/10/2018)

Như vậy, có thể mô hình hóa các bước triển khai, thực hiện việc tổng kết, nghiên cứu như sau: đối tượng tổng kết, nghiên cứu ở các cấp tiến hành lựa chọn vấn đề tổng kết, nghiên cứu để đề xuất với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổng hợp, lựa chọn và chỉ đạo, hướng dẫn các cấp tổng kết, nghiên cứu; các cấp triển khai, thực hiện tổng kết, nghiên cứu và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi cấp trên và đúc rút bài học kinh nghiệm, định hướng, chỉ đạo các cấp thực hiện trong giai đoạn tới.
Lý luận và thực tiễn phải luôn thống nhất với nhau. Triển khai, thực hiện tốt việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là góp phần phát triển lý luận, đưa lý luận lên một tầm cao mới, nhưng cũng đồng thời làm cho lý luận trở về với thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của các tổ chức đảng, giúp cho sự lãnh đạo của Đảng ngày càng thêm hiệu quả.
Bài học qua 30 năm đổi mới đất nước (1986 - 2016) đã được Đảng ta chỉ rõ: phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Triển khai thực hiện tốt Hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương về tổng kết, nghiên cứu sẽ giúp các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh bổ sung lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, hoàn thành nhiệm vụ công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
                                                                                                                                                                                Lê Văn Tuấn 
UV BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 267 - 268.
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1112 | lượt tải:228

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:994 | lượt tải:299

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1382 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16952 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17278 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập151
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại176,353
  • Tổng lượt truy cập18,336,695
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây