Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên: Kế thừa và phát huy những thành tựu 90 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ hai - 16/11/2020 11:51   Đã xem: 622   Phản hồi: 0

Cách đây 90 năm, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, trong thời gian ấy, Mặt trận nhiều lần thay đổi tên gọi, từ Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938) đến Mặt trận Việt Minh (tháng 5/1941), Mặt trận Liên Việt (3/1951 - 9/1955), Mặt trận Tổ quốc (từ tháng 9/1955). Sau mỗi lần thay đổi tên gọi, hình thức tổ chức của Mặt trận cũng chuyển biến, tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân. Thông qua các hình thức mặt trận, quần chúng nhân dân được tổ chức thành một lực lượng thống nhất, được tuyên truyền, giác ngộ đi theo Đảng làm cách mạng.

      Dưới ngọn cờ đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên hăng hái gia nhập các đoàn thể Cứu quốc, tích cực tham gia đấu tranh cách mạng và khi thời cơ đến, đã vùng dậy khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi Tháng Tám năm 1945.
      Vừa giành được chính quyền, hưởng độc lập chưa được bao lâu, nhân dân ta đã phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhằm bảo vệ và phát huy những thành quả Cách mạng Tháng Tám. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Mặt trận Việt Minh và sau đó là Mặt trận Liên Việt tỉnh tích cực vận động nhân dân các dân tộc thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc; xây dựng, bảo vệ căn cứ địa - ATK Trung ương; chi viện tiền tuyến. Khối đoàn kết toàn dân không ngừng mở rộng; sức mạnh dân tộc được phát huy, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương (21/7/1954).
      Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cùng với các ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức thành viên vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hai lần trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân do đế quốc Mĩ gây ra; đồng thời tích cực chi viện chiến trường miền Nam. Thành công của công tác vận động quần chúng thời kì này là đã phát huy cao độ tính tích cực và nhiệt tình cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên vừa ra sức đẩy mạnh sản xuất, từng bước xây dựng cơ sở vật chất và kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa dũng cảm chiến đấu đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mĩ và làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam, góp phần vào chiến công chung của dân tộc, đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975.
      Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cách mạng nước ta chuyển sang thời kì mới với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
      Trong thời kì đầu cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1976 - 1986), công tác vận động quần chúng tập trung vào nhiệm vụ cơ bản là xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những thành tựu bước đầu về kinh tế, văn hoá, xã hội, song còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân bị giảm sút. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp từ tỉnh xuống đến cơ sở còn nhiều lúng túng. Một bộ phận trong cán bộ, đảng viên và ngay cả các cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc.
      Từ cuối năm 1986, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Công tác Mặt trận cũng được đổi mới một cách cơ bản cả về nhận thức quan điểm và tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và chính sách đại đoàn kết dân tộc được đề cao. Những đường lối, chính sách về công tác mặt trận... lần lượt được xác định và ngày càng hoàn thiện, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 8B (3/1990) của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) về Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
      Quán triệt quan điểm đổi mới của Trung ương, công tác Mặt trận được các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh coi trọng. Mặt trận Tổ quốc các cấp từng bước được củng cố và kiện toàn. Nghị quyết 8B cùng với các nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận được tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc trong mọi hoạt động của các cấp bộ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể có những bước chuyển biến mới, hướng mạnh về cơ sở, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương; đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng lên. Mối quan hệ giữa các tổ chức đảng với dân ngày càng gắn bó.
        Từ năm 1997, sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỉnh Thái Nguyên, sau 30 sáp nhập với tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái, đã được lập lại.
      Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, công tác Mặt trận có nhiều bước tiến quan trọng và đạt nhiều kết quả. Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục được củng cố và kiện toàn, làm tốt chức năng, nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; phản biện xã hội đối với các bản dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức Nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; phối hợp với các cơ quan Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuy có nơi, có lúc còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhưng nhìn chung ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng. Hầu hết các đoàn thể đã chú trọng đến việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để tập hợp quần chúng; chú ý chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
      Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và mưa bão tại các tỉnh miền Trung, với tinh thần “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức thành viên các cấp đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch; chia sẻ, trợ giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, tạo niềm tin trong nhân dân, được các cấp ủy đảng, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
image 20201116235200 1
Lãnh đạo phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên
tặng hoa chúc mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân dân tộc của Tổ dân phố 15
      Những thành tích của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Ngày 29/11/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã kí quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh được Chính phủ tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua năm 2010, 2019; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Cờ Đơn vị xuất sắc toàn diện (năm 2014);... Đây là nguồn động viên to lớn về chính trị tinh thần, có sức cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận nói riêng hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong những năm tiếp theo.
      Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên càng tự hào về truyền thống yêu nước, vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững và ngày càng giàu mạnh./.
         Hứa Thị Kiều Hoa
                                                                                                               Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên

         

 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập223
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại177,870
  • Tổng lượt truy cập18,338,212
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây