Phát huy truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

Thứ ba - 20/10/2020 11:33   Đã xem: 782   Phản hồi: 0

Phát huy truyền thốngyêu nước của quê hương, phụ nữ Thái Nguyên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh một lòng theo Đảng, có nhiều cống hiến, đóng góp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

      Từ năm 1928, đồng chí Triệu Thị Đỉnh, người xã Đồng Mỗ, huyện Đồng Hỷ - nay là phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, đã được cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên giác ngộ. Tháng 6-1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác tại Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí là nữ đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên.
      Cách mạng Tháng Tám thành công, giữa tháng 9-1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại Trường Xô (xãPhấn Mễ, huyện Phú Lương) để quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên gồm 8ủy viên, do đồng chí Ngô Nhị Quý làm Bí thư. 1 trong 8 Tỉnh ủy viên và là nữ Tỉnh ủy viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên là đồng chí Vũ Thị Bảo Ngọc.
      Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, phụ nữ Thái Nguyên hăng hái tham gia diệt giặc đói, diệt giặc dốt, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng; cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnhnhiệt tình tham gia ủng hộ Quỹ Độc lập, hưởng ứng Tuần lễ vàng, quyên góp, ủng hộ hơn 5 kg vàng, hàng vạn đồng tiền mặt và nhiều tài sản có giá trị khác, góp phần giúp chính quyền cách mạng giải quyết những khó khăn gay gắt về tài chính trong những ngày mới thành lập.
      Nam Bộ kháng chiến, phụ nữ Thái Nguyên tích cực tham gia mít tinh phản đối hành động xâm lược của kẻ thù; tổ chức các phong trào, các hoạt động quyên góp ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, trong đó có phong trào “Mỗi hội viên phụ nữ ủng hộ 10 viên đạn”; tình nguyện đi “Bán bánh mì và huy hiệu để lấy tiền ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”. Nhiều phụ nữ xung phong đến các phòng Nam Bộ ghi tên tình nguyện vào Nam đánh giặc.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cùng với quân và dân trong tỉnh, phụ nữ Thái Nguyên tích cực xây dựng, củng cố hậu phương; ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ  Bác Hồ và các cơ quan Trung ương đóng quân trên địa bàn;quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh; tham gia dân công phục vụ các chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
       Miền Bắc được giải phóng, phụ nữ Thái Nguyên nỗ lực tham gia khôi phục, phát triển kinh tế; góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những khu công nghiệp quan trọng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực ủng hộ miền Nam đánh Mỹ. Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược bằng không quân trên địa bàn tỉnh,phụ nữ Thái Nguyên hăng hái hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội phát động với nhiều khẩu hiệu cụ thể như: “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Địch đánh ngày, ta làm đêm”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các cấp Hội vận động chị em động viên chồng, con tòng quân đánh giặc. Nhiều chị em hăng hái tham gia thanh niên xung phong, phục vụ quân và dân 2 miền chiến đấu. Chiều tối ngày 24-12-1972 lịch sử, khi máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom thành phố Thái Nguyên, nhiều nữ chiến sĩ thuộc Đại đội 915, Đội 91 Thanh niên xung phong Bắc Thái, sau khi tham gia giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá đã bị bom Mỹ ném trúng nơi trú ẩn, 43 nữ thanh niên xung phong bị nạn (36 đồng chí anh dũng hi sinh, 7 đồng chí bị thương) – làm nên Khúc tráng ca bất tử. Những nỗ lực, cố gắng của phụ nữ Thái Nguyên đã góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
      Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phụ nữ Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, tích cực tham gia lao động, công tác và học tập, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp Hội thường xuyên động viên hội viên đẩy mạnh phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hăng hái tham gia các chiến dịch “Vắng chợ, đông đồng”, “Sạch làng, tốt ruộng”; thực hiện “Mỗi nữ công nhân, viên chức một sáng kiến”, “Mỗi cán bộ khoa học, kỹ thuật một đề tài”… Từ những phong trào, những cuộc vận động đó đã xuất hiện nhiều tập thể và nữ cá nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng cờ thi đua và bằng khen “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đặc biệt, Tổ Tiện bạc đồng, Công ty Phụ tùng ô tô số I, Sông Công gồm 20 công nhân (100% là nữ) đã được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985.
      Những cống hiến, đóng góp của phụ nữ Thái Nguyên vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là vô cùng to lớn. Nhiều tập thể và cá nhân đã được Đảng, Nhà nước vinh danh. Tổ quốc và Nhân dân ta mãi khắc ghi cống hiến, hi sinh của 579 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Thái Nguyên.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội
      Chiếm trên 51% dân số, 58% lực lượng lao động trong toàn tỉnh, bước vào thời kỳ phát triển mới, với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quá trình toàn cầu hóa, sự cạnh tranh quốc tế, khu vực, phụ nữ Thái Nguyên vừa tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp, vừa không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, từng bước tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”; tham gia cùng các cấp Hội thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ thực tiễn sinh động,xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến; nhiều tập thể và nữ cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương, giải thưởng và nhiều phần thưởng cao quý khác; nhiều chị đã trở thành giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học đầu ngành, những doanh nhân thành đạt, được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh tin tưởng, giao phó các chức vụ quan trọng trong lãnh đạo,quản lý.
      Qua đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cấp ủy viên nữ trên tổng số cấp ủy viên đều tăng so với nhiệm kỳ 2015-2020, cụ thể: cấp cơ sở có 1.260/4.836 đồng chí, đạt tỷ lệ 26,05%, tăng 1,2%; cấp trên cơ sở có 109/506 đồng chí, đạt tỷ lệ 21,5%, tăng 4,23%; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 có 9/51 đồng chí, đạt tỷ lệ 17,6%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XX có 2/15 đồng chí, đạt tỷ lệ 13,3%. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy với tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối 100% - Đồng chí Nguyễn Thanh Hải được Trung ương điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 từ tháng 5-2020, là nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 75 năm qua.
      Nhìn lại lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên Phụ nữ Việt Nam, với lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của phong trào và tổ chức Hội, phụ nữ Thái Nguyên ra sức phấn đấu lao động, công tác và rèn luyện, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030./.
Hà Minh Lợi



 Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập I (1936-1965), Xuất bản năm 2003.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập II (1965-2000), Xuất bản năm 2005.
3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên: Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936-2016, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội - 2018.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên: Báo cáo số 566-BC/TU, ngày 15/7/2020 về kết quả đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo số 586-BC/TU về kết quả đại hội cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17280 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập453
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại180,733
  • Tổng lượt truy cập18,341,075
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây