Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thứ năm - 03/06/2021 04:29   Đã xem: 854   Phản hồi: 0

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm; được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” (Quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 01/6/2021). Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

     Chương trình nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; truyền thông đến toàn xã hội về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em... Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.
image 20210603153009 1
Trẻ em cần được bảo vệ trên môi trường mạng (ảnh minh họa, nguồn internet)
     Để thực hiện được các mục tiêu, Chương trình đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá như: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… để tự động thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn, xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ em, nội dung không phù hợp đối với trẻ em; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật... Đáng chú ý, việc thành lập và tổ chức hoạt động Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia, cá nhân trong và ngoài nước. Đây là mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức, tư vấn, hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng. Khi trẻ em gọi điện thoại tới tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, thông tin sẽ được tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời.
     Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với gần 70 triệu người dùng, chiếm khoảng 70% dân số. Trong đó 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24. Với sự hữu ích và các tính năng không thể phủ nhận, Internet trở thành công cụ phổ biến, thu hút số lượng người sử dụng ngày càng gia tăng, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng như: dễ dàng bị tiếp cận thông tin giả; bắt nạt qua mạng; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; dễ truy cập vào trang có thông tin xấu độc được gửi kèm hoặc hiển thị trong các phần mềm chơi game, xem phim... Do đó, việc vảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu cấp thiết, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là sự chung tay của mỗi gia đình để giáo dục, trang bị những kỹ năng để trẻ em tự biết bảo vệ mình,  hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng để trẻ khai thác thông tin mạng an toàn. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ trong việc dùng mạng xã hội; luôn theo sát trẻ để kịp thời điều chỉnh những hành vi, cách ứng xử không phù hợp trên không gian mạng. 
Nguyễn Lan
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây