Thái Nguyên triển khai nhiều Đề án phát triển cây chè và sản phẩm từ chè

Thứ năm - 09/09/2021 23:10   Đã xem: 386   Phản hồi: 0

Ngày 09/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội thảo “Tác động của các Đề án phát triển chè đến hiện trạng ngành chè Thái Nguyên và các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chè, giai đoạn 2020 - 2030”.

     Dự Hội thảo có đại biểu một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các hội thành viên thuộc Liên hiệp Hội và đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì Hội thảo.
image 20210910131158 1
Quang cảnh Hội thảo
     Trong giai đoạn 2001 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 4 Đề án phát triển chè theo từng giai đoạn và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp ngành chè Thái Nguyên đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vai trò đối với phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định được vị trí quan trọng đối với ngành chè Việt Nam. Với tổng diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 22.396 ha (diện tích trồng chè lớn nhất toàn quốc); sản lượng đạt 244.502 tấn/năm, tăng bình quân 3,86%/năm; giá trị sản xuất chè năm 2020 đạt 5.580 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha, tăng 170 triệu đồng so với thời điểm năm 2015. Sau khi kết thúc 4 Đề án giai đoạn 2001 - 2020, ngành chè vẫn tiếp tục được Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển và phê duyệt “Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, sản phẩm chè được xác định là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên.
     Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận về 4 vấn đề: Đánh giá tác động của các đề án phát triển chè đến hiện trạng ngành chè Thái Nguyên hiện nay; tác động đến phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên; các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chè Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2030; giải pháp cụ thể phát triển sản phẩm chè Thái Nguyên thành sản phẩm chủ lực trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, nhiều đại biểu thảo luận về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè như: quản lý, phát triển hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, thương hiệu chè mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” và các nhãn hiệu tập thể khác thuộc các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để đa dạng hóa các sản phẩm chè; chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chè; chính sách quản lý chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu…
     Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, sản xuất chè đóng góp ý kiến, đánh giá đúng thực trạng tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chất lượng chè; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ, đồng thời nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển sản phẩm chè thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên./.
Hồng Nhung


 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây