Thái Nguyên với Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ tư - 06/05/2020 12:31   Đã xem: 1297   Phản hồi: 0

      Chúng ta đang bước vào một cuộc cách mạng mới có thể làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau theo tốc độ và quy mô mà loài người chưa từng thấy, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự phát triển đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo.

       Những năm qua, với sự tác động của CMCN 4.0, nhiều thành tựu của khoa học công nghệ (KHCN) đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; góp phần không nhỏ vào tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, tạo ra những giá trị mới trên mọi mặt của đời sống xã hội.
      Thái Nguyên đang sở hữu một mạng lưới hạ tầng viễn thông quy mô lớn, rộng khắp và tương đối hiện đại. Các đơn vị viễn thông trên địa bàn đã dần đồng bộ hóa thiết bị, cập nhật  công nghệ thông tin tiến tiến, đáp ứng tốt về đường truyền, phát sóng trên nền tảng kỹ thuật số. Đến cuối năm 2017, số thuê bao Internet trên địa bàn Thái Nguyên đạt 118.950 thuê bao, phủ sóng di động 1.414 trạm; đây là cơ sở bước đầu để tỉnh Thái Nguyên tham gia vào CMCN 4.0. Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch và có 6 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 1.420 ha, trong đó 4 KCN đi vào hoạt động gồm: Sông Công I, Yên Bình, Điềm Thụy và Nam Phổ Yên. KCN Sông Công II đang triển khai xây dựng hạ tầng; KCN Quyết Thắng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Hạ tầng các KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; nhiều dự án đầu tư vào các KCN Thái Nguyên theo hướng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, viễn thông. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên đã được nâng cấp, hoàn thiện, thu hút được gần 700 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với gần 8.000.000 lượt người truy cập, góp phần đẩy mạnh hoạt động mua sắm của người dân thông qua mạng Internet. Thông qua sàn giao dịch, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có điều kiện quảng bá thông tin hình ảnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Trong 03 năm (2016 - 2019), số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại tỉnh Thái Nguyên tăng trên 1.700 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp từ 5.000 doanh nghiệp (năm 2015), lên 6.838 doanh nghiệp (năm 2019) với tổng vốn đăng ký 87.237 tỷ đồng; 143 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 8 tỷ USD.
      Thái Nguyên đang thực hiện tốt hiện đại hóa nền hành chính nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đặt ra của người dân và tổ chức. Cổng thông tin điện tử tỉnh được vận hành và duy trì thường xuyên với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, tích hợp 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh với thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử cơ bản ở mức độ 2; đồng thời xây dựng và triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến thông suốt trên nền tảng mới tích hợp các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và phản ánh hai chiều về thủ tục hành chính. Điều này cho thấy sự sẵn sàng và vào cuộc của các cơ quan hành chính tỉnh Thái Nguyên để thích ứng với CMCN 4.0. Do đó các chỉ số về hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh, cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sự hài lòng của người dân đều được cải thiện theo hằng năm. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến đầu tư. Sau một năm tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”, đến hết năm 2019 đã có 41 nhà đầu tư đăng ký triển khai 57 dự án với tổng số vốn trên 113.500 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án đã và đang hoàn thành các thủ tục đầu tư.
      Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên được triển khai ở 7 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 trường cao đẳng, 3 viện nghiên cứu trực thuộc Đại học và 5 trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Các kết quả nghiên cứu khoa học của Đại học Thái Nguyên có hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tạo ra các sản phẩm KHCN có tính ứng dụng, phục vụ đắc lực nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KHCN giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên đến năm 2020 (ký ngày 13/9/2016), UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt cho Đại học Thái Nguyên triển khai các nhiệm vụ KHCN của Chương trình với tính ứng dụng cao theo công nghệ 4.0 như: Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống điều khiển thông minh tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng đô thị thành phố Thái Nguyên; Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên; Ứng dụng KHCN để tăng năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm trà hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cho ngành chè tỉnh Thái Nguyên; Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
      Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên từ năm 2015 đến nay đã tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện được 139 đề tài, dự án thuộc nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh trên các lĩnh vực. Đề tài, dự án KHCN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, nông thôn đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nội dung nghiên cứu tập trung vào đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao như: Mô hình trồng thâm canh các giống chè mới theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô 10ha tại xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên); mô hình sản xuất, chế biến chè có kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chí của bộ nguyên tắc UTZ Certified tại Hợp tác xã chè Tân Hương (thành phố Thái Nguyên); Dự án Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc,… Các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ đã hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu biểu như việc nghiên cứu phương pháp gia công tia lửa điện để chế tạo chày dập thuốc định hình đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ tận thu quặng thiếc chứa hàm lượng sắt cao;... Các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực y dược góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân như: Nghiên cứu ứng dụng trong giải phẫu mạch xuyên bắp chân trong bằng siêu âm Doppler; Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong phẫu thuật nối mạch máu thần kinh, chuyển vạt da che phủ khuyết hổng phần mềm và nối lại chi thể đã đứt rời; Ứng dụng phẫu thuật tim hở điều trị một số bệnh về tim; Nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện A tỉnh Thái Nguyên (đơn vị đã làm chủ được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và đã có rất nhiều trẻ được ra đời bằng phương pháp này); Ứng dụng quy trình ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Thái Nguyên CMCN 4 0
Ê kíp thực hiện thành công cặp ghép thận số 23 tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
      Bên cạnh kết quả đạt được, mức độ chủ động tham gia Cuộc CMCN 4.0 của tỉnh Thái Nguyên còn chưa cao. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa khẳng định được vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra của nền kinh tế…
      Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục được hạn chế nêu trên, ngày 31/12/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 164-KH/TU, về Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, Internet băng rộng phủ 100% các xã; hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đến năm 2030, phủ sóng toàn tỉnh mạng di động 5G; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; hoàn thành xây dựng Chính quyền số tại tỉnh. Đến năm 2045, trên địa bàn tỉnh hình thành từ một đến hai đô thị thông minh, phát triển trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
      CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Để đạt được những mục tiêu trên, thiết nghĩ cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội; có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia Cuộc CMCN 4.0, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội./.
           Hứa Thị Kiều Hoa
                                                 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây