Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên: Mái ấm tình thương

Thứ tư - 10/06/2020 11:23   Đã xem: 2780   Phản hồi: 0

      Với sứ mệnh là chăm sóc và định hướng nghề nghiệp cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái,…), trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên (trước đây là Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên) đã trở thành mái ấm tình thương, chắp cánh những ước mơ trong cuộc sống cho các em.

TE Khuyet tat

Một tiết học của học sinh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên
      Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên tọa lạc tại số 146, đường Minh Cầu, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên. Trung tâm được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995, hiện nay có 57 giáo viên, giảng dạy học sinh thuộc các dạng khuyết tật như: khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ và chậm phát triển. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn đạt bằng cử nhân tật học, giàu lòng nhân ái, tình thương và trách nhiệm, được học tập, tập huấn qua các lớp dạy trẻ khuyết tật.
      Nhiệm vụ chính của Trung tâm là chăm sóc và giáo dục học sinh khuyết tật, dạy cho học sinh khuyết tật các kỹ năng xã hội, kỹ năng  sống, kỹ năng giao tiếp, tự phục vụ. Do vậy, giáo viên phải sử dụng các phương pháp đặc thù với từng đối tượng học sinh, như: dạy bằng chữ nổi Braille với đối tượng học sinh khiếm thị, dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu với đối tượng học sinh khiếm thính. Trung tâm cũng tổ chức thêm các lớp dạy năng khiếu (nhạc, họa) phù hợp với từng đối tượng học sinh khuyết tật, giúp các em phát triển khả năng của bản thân, hòa nhập với cuộc sống của xã hội. Bên cạnh đó, còn tổ chức có hiệu quả các lớp dạy thêu, may, tin học và làm hoa nghệ thuật, góp phần hướng nghiệp và dạy nghề cho các em.
      Hiện tại, Trung tâm có 19 lớp học, 3 lớp dành cho trẻ em mầm non, 5 lớp cấp hai, và 11 lớp cấp ba, với tổng số học sinh là 289 em. Trong đó, có 188 em thuộc nhóm khiếm thính, 69 em thuộc nhóm chậm phát triển, 19 em thuộc nhóm khiếm thị và 13 em nằm trong nhóm trẻ tự kỷ. Phần lớn học sinh là con em các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, các gia đình miền núi xa xôi, hẻo lánh. Đa số học sinh ở nội trú, vì vậy cô giáo phụ trách nội trú phải làm việc từ 5h chiều hôm trước đến 7h sáng hôm sau, lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ.
      Cô giáo Dương Thị Thủy - Phó Giám đốc chia sẻ: Cơ sở vật chất của Trung tâm cũng còn thiếu thốn, nhưng khó khăn lớn nhất của chúng tôi là đối tượng giáo dục mang tính đặc thù nên việc chăm sóc, giáo dục các em rất khó khăn, vất vả. Có em không ý thức được bản thân, đi vệ sinh ngay dưới gầm bàn học, thỉnh thoảng một số bạn còn hét, phá đồ đạc, nhiều lúc còn cầm những vật dụng sắc nhọn để nghịch. Bên cạnh những khó khăn như vậy thì nhiều em đã có ý chí vươn lên trong học tập, tiếp tục học các bậc học cao hơn, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Sau khi ra trường, các em cũng đã tìm được công việc mà bản thân mong ước. Học sinh khuyết tật của Trung tâm đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia về các hoạt động học nghề, văn nghệ, thể thao. Một số bạn bộc lộ được năng khiếu của mình từ rất sớm, vẽ rất đẹp...
      Khi được hỏi về động lực vượt qua những khó khăn, cô Thủy tâm sự: Các em chính là động lực lớn nhất của chúng tôi. Các em sống rất thật và không bao giờ nói dối cô giáo, thậm chí còn bộc lộ tình cảm của mình hết sức ngây thơ, trong sáng. Trong một lần tôi bị ngã, đi cà nhắc lên lớp, có em đã viết trong vở của mình là “rất thương cô vì chân cô bị đau”. Một số em đã ra trường, đến ngày của người khuyết tật hoặc Ngày Nhà giáo Việt Nam, vẫn mang hoa đi tìm cô giáo để tặng. Những điều tưởng giản đơn, nhưng lại là tình cảm chân thành và động viên rất lớn cho chúng tôi. Mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của các con là dường như chúng tôi quên bớt sự mệt mỏi.
      Cô giáo Vũ Thị Thu Phương có 11 năm làm việc tại Trung tâm chia sẻ: Lúc đầu vào trường mình cũng thấy bỡ ngỡ lắm. Học sinh nhìn mình bắt chước ký hiệu cứ khúc khích cười. Mình lấy chồng dưới Hà Nội, đến cuối tuần mới được về nhà. Thương các học trò lắm, nên không thể chuyển về Hà Nội được! Mình có một kỷ niệm rất đáng nhớ: Hồi mới đi làm, một hôm, mình bước ra từ phòng học thì thấy có một em khiếm thị và một em chậm phát triển trí tuệ đang ngồi trên bậc hè ngắm hoa phượng. Bạn khiếm thị không nhìn thấy gì, nên quay sang hỏi bạn kia về màu hoa phượng, bạn ấy trả lời luôn là hoa màu đỏ, nhưng bạn khiếm thị liền cãi lại rằng hoa phượng có màu đen. Khi nghe được câu trả lời đó, mình cũng thấy chạnh lòng. Vì chưa bao giờ được nhìn thấy thế giới xung quanh, nên trong tưởng tượng của con, vạn vật chỉ toàn màu đen… Từ đó, mình nghĩ phải làm gì đó để bù đắp cho sự thiếu hụt ấy. Sau này đối với những bạn bị khiếm thị, mình thường diễn đạt và miêu tả cụ thể hơn để các con hiểu và dễ nhớ.
      Công việc nhọc nhằn là vậy nhưng các cô vẫn luôn kiên trì, dành cả tuổi xuân của mình để yêu thương và chăm sóc các con. Những nỗ lực, cố gắng đó đã mang lại nhiều kết quả và được cấp trên ghi nhận. Thời gian qua, Trung tâm đã được nhận nhiều cờ thi đua, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của UBND tỉnh, nhiều năm liên tục đạt Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh, được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận “Tấm lòng nhân đạo”. Đặc biệt, năm 2010, Trung tâm vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong nuôi dạy và chăm sóc trẻ em khuyết tật.
        Tình cảm yêu thương và trách nhiệm của những người mẹ hiền đã giúp Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên trở thành một “Mái ấm tình thương”. Tin chắc rằng, với sự đùm bọc và yêu thương vô bờ bến của thầy cô, các em sẽ trưởng thành, vững bước vào đời và tỏa sáng trên con đường phía trước./.
Đặng Thùy

 
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây