Bộ Tổng Tham mưu với quê hương Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Thứ ba - 13/04/2021 06:54   Đã xem: 1099   Phản hồi: 0

     Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 của quân và dân ta, các cơ quan đầu não kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, quân đội..., tiếp tục chuyển về ở và làm việc tại huyện Định Hóa, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp làm việc tại địa bàn các xã của huyện Định Hóa để chỉ đạo và chỉ huy toàn quân liên tiếp mở các chiến dịch tiến công và phản công chống thực dân Pháp xâm lược: Xã Điềm Mặc (từ đầu năm 1948 đến cuối năm 1949); xã Bảo Linh, Bảo Biên (từ năm 1950 đến năm 1954);...
     Trong quá trình đóng quân và hoạt động trên quê hương Thái Nguyên, Bộ Tổng Tham mưu luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp đào tạo cán bộ mật mã “Lê Lai” tại rừng bản Cọ, xã Yên Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; Người căn dặn cán bộ, học viên: “... Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang. Bộ Tổng Tham mưu mở lớp học đông thế này là cần thiết. Các cô, các chú được Trung ương Đảng, Bộ Tổng tin cậy, cần phải học tập và làm việc tốt. Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác”(1). Ngày 9/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9/9/1952). Hôm ấy, trời mưa to, nước lũ ở các suối dâng cao, Bác quyết tâm khắc phục khó khăn tới dự Hội nghị đúng thời gian và bài học đầu tiên Bác nói với cán bộ: “Bất kì việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được”(2).
image 20210413175421 1
(Ảnh minh họa)
     Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, đường lối kháng chiến của Đảng là “toàn dân, toàn diện” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ngày càng vững mạnh, là lực lượng nòng cốt để phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, huy động được sức mạnh toàn dân kháng chiến, là cơ sở quan trọng để Bộ Tổng Tham mưu xây dựng các kế hoạch tác chiến chiến lược, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, phối hợp tác chiến giữa các chiến trường; đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh mở các chiến dịch làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược, đưa cuộc kháng chiến đến kết thúc thắng lợi bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
     Lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện Thông tư số 33-TL/DB, ngày 19/2/1947 của Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức và nhiệm vụ của dân quân, tự về, du kích, việc xây dựng lực lượng vũ trang trong tỉnh đã được triển khai nhanh chóng. Ngày 15/4/1947, tại sân vận động thị xã Thái Nguyên (nay là thành phố Thái Nguyên) Tỉnh ủy và Ủy  ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ thành lập và ra mắt Ban chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên) với sự có mặt của đại diện lực lượng vũ trang các huyện, thị. Ngay sau khi thành lập, Tỉnh đội Bộ dân quân đã tham mưu cho cấp ủy tỉnh tập trung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ vững chắc trung tâm căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ.
     Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực củng cố hậu phương; xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích; tham gia bộ đội chính quy, dân công phục vụ các chiến dịch. Thái Nguyên đã có gần 32.500 con em các dân tộc tham gia dân quân, du kích và tự vệ chiến đấu; 17.843 thanh niên tòng quân đánh giặc, hơn 15.000 dân công hỏa tuyến, trong đó có 1.607 người hy sinh và được công nhận là liệt sĩ; 1.129 người được công nhận là thương binh; Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên cùng 63 tập thể, 3 cá nhân trong tỉnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
     Hơn 70 năm là quãng thời gian chưa phải dài của lịch sử nhưng cũng đủ để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân luôn ý thức rõ vị trí, ý nghĩa và vai trò to lớn của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của quê hương “Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, tiến bộ về văn hoá xã hội, vững bước trên con đường đổi mới để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn như lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu./.
                                                 Hứa Thị Kiều Hoa
                                                 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên
(1) 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H. 2004,  tr. 109, 103
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t.6, tr. 558
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây