Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Đại học Thái Nguyên

Thứ hai - 23/11/2020 22:56   Đã xem: 1236   Phản hồi: 0

      Triển khai Kết luận 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thành xây dựng bộ chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị (LLCT) giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, đưa vào giảng dạy từ năm học 2019 - 2020. Đây là một bước quan trọng góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy LLCT, phát triển nhân cách, định hình phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên.

      Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) là đại học vùng, được thành lập năm 1994 theo Nghị định 31/NĐ-CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ. ĐHTN gồm 7 trường đại học thành viên (ĐH Sư phạm, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Nông Lâm, ĐH Y Dược, ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh, ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Khoa học); 1 trường trực thuộc (Trường Ngoại ngữ), 1 khoa trực thuộc (Khoa Quốc tế), 1 trường cao đẳng, 1 phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai, 3 viện nghiên cứu, 1 bệnh viện thực hành, 1 nhà xuất bản và 5 Trung tâm. ĐHTN hiện có 114 giảng viên dạy môn LLCT; trong đó 43 giảng viên có trình độ tiến sỹ, 65 giảng viên có trình độ thạc sỹ, 6 giảng viên chính. Các giảng viên thường xuyên được nhà trường cử đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
      Việc thực hiện nội dung giảng dạy các môn LLCT theo chương trình, giáo trình mới được các giảng viên thực hiện nghiêm túc. 100% giảng viên LLCT lên lớp có đầy đủ hồ sơ giảng dạy (giáo trình, đề cương bài giảng, đề cương môn học, kế hoạch dạy học, sách giao bài tập), được trang bị công cụ hỗ trợ bài giảng (máy chiếu, loa, mic) và thường xuyên cập nhật thông tin mới để đưa vào bài giảng. Ngoài việc sử dụng phương pháp dạy học truyền thống, nhiều giảng viên dạy LLCT đã sử dụng và phối hợp các phương pháp dạy học tích cực như nêu vấn đề, thảo luận nhóm, đóng vai, tổ chức trò chơi học tập gắn với các vấn đề, các tình huống thực tiễn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện của người học.
image 20201125105633 1
Quang cảnh tiết học LLCT do giảng viên Trần Thị Lan thực hiện
theo nội dung, chương trình mới tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên
      Bên cạnh thực hiện giảng dạy LLCT trên lớp học, các đơn vị thành viên đã triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa gắn với tuyên truyền, giáo dục LLCT như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý luận, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, nghị quyết của Đảng trong tuần sinh hoạt công dân - sinh viên năm đầu, đầu khóa. Tổ chức cho sinh viên nhiều hoạt động về nguồn bổ ích: Thăm Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, Quê Bác, ATK Định Hóa.., tổ chức các chương trình giao lưu có ý nghĩa sâu sắc với Sư đoàn 3 Sao Vàng - Sư đoàn Anh hùng, Vùng Cảnh sát biển 1…; tổ chức các cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo, tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”…thi kể chuyện “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, các cuộc thi online “Người đi tìm hình của nước”, “Hào hùng Điện Biên”, ‘Ngày hội non sông”; triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật “Khoảnh khắc Trường Sa”…đã thu hút hàng chục nghìn sinh viên tham gia, từ đó có sức lan tỏa sâu rộng, có tác dụng giáo dục mạnh mẽ đến toàn thể sinh viên.
      Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục LLCT nói chung, việc giảng dạy các môn LLCT nói riêng được ĐHTN đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên thông qua một số hoạt động cụ thể như: thanh tra tổng thể do Ban Thanh tra - Pháp chế thực hiện; kiểm tra kế hoạch đào tạo do Ban Đào tạo thực hiện; dự giờ, đánh giá giờ giảng của từng giảng viên do bộ môn của các trường thực hiện; quản lý giảng viên thông qua phiếu theo dõi giảng dạy, qua thời khóa biểu; tổ chức lấy ý kiến phản hồi của sinh viên đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên dạy LLCT.
      Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư đã khẳng định: Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ ta”. Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào cũng hết sức cần thiết. Việc thực hiện đổi mới chương trình, giáo trình các môn LLTC hiện nay là thiết thực nhằm đáp ứng những yêu cầu của công tác giáo dục ở bậc đại học, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng giảng dạy LLCT cho sinh viên của ĐHTN nói riêng và sinh viên các trường đại học ở Việt Nam nói chung./.
                                                                           Hứa Thị Kiều Hoa
                                                               Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên

 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây