Công tác  lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2020

Thứ sáu - 06/11/2020 06:23   Đã xem: 907   Phản hồi: 0

      Công tác lịch sử Đảng không chỉ nhằm tái hiện bức tranh phong phú, sinh động của quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của Đảng, mà còn góp phần tổng kết kinh nghiệm lịch sử, khái quát lý luận cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, công tác lịch sử Đảng luôn được các cấp ủy Đảng coi là nhiệm vụ quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

      Trong năm 2020 các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” và Kế hoạch số 110-KH/TU, ngày 15/11/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW; quan tâm chỉnh lý, biên soạn bổ sung, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cơ quan, đơn vị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Hội đồng Chỉ đạo cấp tỉnh hoàn thành nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1945 - 2020”; hoàn thiện xuất bản cuốn sách Kỷ yếu 90 năm xây dựng và phát triển của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tổ chức Hội thảo bản thảo cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”. Một số ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xuất bản được cuốn sách lịch sử truyền thống của ngành, đơn vị như: Lịch sử ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thái Nguyên (1945 - 2015), Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên (1947 - 2017). Huyện ủy Đồng Hỷ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Hỷ (1945 - 2020)”; Thị ủy Phổ Yên nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ thị xã Phổ Yên (2000 - 2020)”. 10 xã, phường, thị trấn nghiên cứu biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương trong những tháng đầu năm 2020. 
      Thực hiện Quyết định số 372-QĐ/TU, ngày 24/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc ban hành Quy định thẩm định bản thảo lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị; lịch sử truyền thống cách mạng các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh Thái Nguyên”, năm 2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 16 Hội đồng thẩm định cấp tỉnh để thẩm định 15 bản thảo lịch sử đảng bộ cấp huyện, cấp xã và lịch sử truyền thống các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh và 1 Hội đồng thẩm định nhân vật lịch sử là người hoạt động cách mạng có căn cứ xác nhận là cuốn sách lịch sử đảng bộ, đề nghị Hội đồng tư vấn cấp tỉnh xét, công nhận Cán bộ Lão thành cách mạng và Cán bộ Tiền khởi nghĩa.
      Thông qua hoạt động thẩm định, các công trình khoa học lịch sử Đảng được công bố đã đảm bảo tính đảng và tính khoa học, vận dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và lịch sử các đảng bộ địa phương, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.
                 
image 20201107182335 1
Quang cảnh Hội đồng thẩm định bản thảo lịch sử đảng bộ địa phương
      Ngay từ đầu năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo, định hướng nội dung tuyên truyền lịch sử đối với ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh. Ban đã kí kết hợp đồng tuyên truyền với 3 cơ quan báo chí, theo đó, trung bình mỗi tuần có 3 tin, bài về nội dung này được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2020, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kịch bản, tổ chức ghi hình Gameshow “Dân ta phải biết sử ta” phát trên sóng truyền hình. Chương trình đã tạo sân chơi sinh động để các em học sinh trung học phổ thông thể hiện sự hiểu biết, trí thông minh và tình yêu với lịch sử dân tộc, lịch sử Thái Nguyên, tăng cường tuyên truyền, lan tỏa kiến thức lịch sử trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên.
       Ban tuyên giáo cấp ủy các cấp thường xuyên tuyên truyền về các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân, hoạt động của cơ quan, đơn vị trên trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ, fanpage, nhóm zalo; like, chia sẻ các bài viết tuyên truyền ca ngợi Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đại hội đảng bộ các cấp, kết quả phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội… Tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên tham gia các cuộc thi như: Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu “Lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên mạng VCNET; Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng”; Cuộc thi trắc nghiệm online “Tìm hiểu 90 năm hình thành và phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020)”…Trường Chính trị tỉnh chỉ đạo giảng viên giảng dạy chương trình
Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính có liên hệ tình hình thực tế vào mỗi bài giảng, trong đó có nội dung về lịch sử đảng bộ của các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các nhà trường, tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng cho giáo viên và học sinh thông qua nhiều hình thức như: giảng dạy chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.                        

      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử chưa đầy đủ; việc tuân thủ nguyên tắc tính đảng và tính khoa học trong nghiên cứu, biên soạn công trình lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các cuốn lịch sử đã xuất bản nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng; một số ban, ngành cấp tỉnh chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống ngành, đơn vị; cán bộ làm công tác lịch sử tại ban tuyên giáo cấp ủy các cấp không được đào tạo về chuyên ngành lịch sử, thiếu kinh nghiệm về công tác lịch sử nên việc tham mưu, hướng dẫn thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử ở cơ sở còn hạn chế.
      Để thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị thu hút các nhà khoa học lịch sử, nhân chứng lịch sử, cán bộ chủ chốt tham gia. Từ những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nói chung, đảng bộ các địa phương trong tỉnh nói riêng; đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng./.
                                                     Nguyễn Thị Hoa - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây