Thành phố Thái Nguyên: Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương

Thứ sáu - 28/01/2022 05:44   Đã xem: 1075   Phản hồi: 0

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận, bảo tồn và phát huy giá trị; có 116 di tích, trong đó có 6 di tích quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh, 88 di tích được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

     Thái Nguyên là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa gắn liền với những sự kiện lịch sử, địa danh và nhân vật lịch sử được ghi vào sử sách của dân tộc. Điển hình như cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, gắn liền với Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn), Lương Ngọc Quyến; nhân vật lịch sử nổi tiếng có Anh hùng dân tộc thời nhà Lý, Dương Tự Minh; sự kiện lịch sử bi thảm vào đúng đêm Nô-en  năm 1972, tại xóm Xuân Quang thuộc xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, bom đạn của Đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, trong đó có 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
     Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận, bảo tồn và phát huy giá trị; có 116 di tích, trong đó có 6 di tích quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh, 88 di tích được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương. Những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử được bảo tồn và phát huy giá trị trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, là điểm du lịch, văn hóa tâm linh hấp dẫn của người dân trong và ngoài tỉnh.
     Những năm qua công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương trên địa bàn thành phố Thái Nguyên luôn được chú trọng, thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, đổi mới và sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể như thông qua các buổi tọa đàm, nói chuyện; sách, báo, tài liệu tuyên truyền; xây dựng phim, hình ảnh tư liệu; các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, xây dựng video clip, vẽ tranh, sáng tác thơ; các hoạt động về nguồn tham quan di tích lịch sử, văn hóa…nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương.
     Từ năm 2019 đến nay, thành phố Thái Nguyên đã thực hiện việc trùng tu, tôn tạo được 7 di tích, với kinh phí trên 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố và nguồn xã hội hóa. Đặc biệt như di tích: Một số địa điểm của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917; Đền thờ Đội Cấn; Khu di tích lịch sử quốc gia - địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên;…Tính đến 12/2021, thành phố Thái Nguyên có 26/32 xã, phường đã biên soạn, xuất bản cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương. Đối với Lịch sử Đảng bộ thành phố Thái Nguyên, giai đoạn 1946 - 2020, dự kiến xuất bản trong quý I/2022. Các cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương đã xuất bản là nguồn tài liệu quý phục vụ công tác khai thác, sử dụng trong công tác tuyên truyền của địa phương, đơn vị.
image 20220128174440 1
Quang cảnh Hội thảo bản thảo Lịch sử Đảng bộ thành phố Thái Nguyên (1946-2020)
     Công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong thời gian qua đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chặng đường bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước; những khát vọng, hy sinh mất mát của bao thế hệ. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào về những trang sử vẻ vang, tình yêu quê hương, đất nước và đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng ta.
     Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương trên địa bàn thành phố Thái Nguyên còn chưa thực sự tác động sâu sắc tới mọi đối tượng, mọi giai tầng trong xã hội; một số công trình lịch sử biên soạn từ năm 2010, 2015 nên cần bổ sung, chỉnh lý, tái bản; một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về những nhân vật lịch sử gắn với tên đường, tên trường học, công trình công cộng trên địa bàn thành phố như Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, Dương Tự Minh,…
     Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả về công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương, thành phố Thái Nguyên cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền. giáo dục lịch sử Đảng”; nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử và lồng ghép nội dung lịch sử địa phương vào các giờ học chính khóa, tích hợp vào các môn khoa học xã hội tại các nhà trường; phát huy hiệu quả các ấn phẩm, biên niên sự kiện, tài liệu lịch sử; chủ động biên soạn tài liệu, đăng tải bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử trên các trang thông tin điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc tra cứu thông tin, dữ liệu, sự kiện lịch sử; số hóa các dữ liệu lịch sử; phát huy tinh thần tự học, tự đọc, tự nghiên cứu về lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương; thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, qua đó góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh./.         
                                 Nguyễn Thị Hoa









 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây