“Độ” còi xe, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông

Thứ tư - 27/11/2019 21:08   Đã xem: 665   Phản hồi: 0

“Độ” còi xe đã không còn xa lạ ở các khu vực từ nông thôn đến thành thị, đây là một thú chơi thể hiện đẳng cấp sành điệu, ngông cuồng của một bộ phận giới trẻ. Những chiếc còi “độ” phát ra tiếng kêu lớn được nhiều thanh niên lùng mua trang bị cho chiếc xe của mình để gây chú ý khi đi trên đường. Tuy nhiên, các loại còi xe có âm thanh “khủng” được sử dụng tràn lan hiện nay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự.

image 20191128091437 1
Ảnh minh họa: Một chiếc còi “khủng” dùng để “độ” cho các loại xe
      Luật Giao thông đường bộ đã quy định tất cả bộ phận, chi tiết cấu thành xe đều phải đảm bảo như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Thế nhưng, thời gian qua xuất hiện nhiều xe máy, ôtô đã bị thay đổi còi xe tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao. Việc sử dụng còi xe với âm thanh “khủng”, quái dị đang trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người đi đường. Thực tế đã có một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi người tham gia giao thông giật mình đánh lái hoặc ngã xuống đường vì tiếng còi chát chúa.
      Tại các cửa hàng bán phụ tùng xe máy ở thành phố Thái Nguyên cũng như nhiều nơi không thiếu những món “đồ chơi” cho các loại xe, nhất là xe 2 bánh. Từ đèn xi-nhan, đèn chiếu, gương chiếu hậu…, đến những chiếc còi phát ra âm thanh “khủng”. Khách mua còi “độ” chủ yếu là các thanh niên. Mặt hàng này có đủ chủng loại nhằm phục vụ người chơi. Tuy nhiên, loại thông dụng nhất, tiếng kêu thuộc dạng lớn vẫn là những chiếc còi điện có công suất 3A-12V trở lên.
      Trên nhiều tuyến đường, tiếng còi “khủng” vẫn thường vang lên làm náo động cả một khu vực. Đặc biệt, vào các tối cuối tuần, trên đường đông đúc phương tiện qua lại hoặc khi diễn ra các sự kiện lại xuất hiện vài thanh niên tụ tập chạy theo nhóm bấm còi, nẹt pô xe ầm ĩ. Điều này khiến người tham gia giao thông không khỏi bức xúc. Bức xúc hơn nữa, một số xe máy còn giả tiếng còi xe cấp cứu, xe cảnh sát để được ưu tiên, nhường đường. Nhiều trường hợp khi tham gia giao thông, đặc biệt là người già, phụ nữ, trẻ nhỏ khi nghe tiếng còi “khủng” đã hốt hoảng giật mình, luống cuống dẫn đến va chạm giao thông, gây thương tích.
      Ngoài nguy cơ mất an toàn giao thông và an ninh trật tự thì việc tự tiện “độ” còi xe một cách vô tội vạ có thể dẫn đến tình trạng cháy, nổ do chập điện. Vì vậy, với những trường hợp bị phát hiện cần phải kiên quyết xử lý nghiêm, không để tình trạng này gây nguy hiểm đến người đi đường.
      Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ. Trong dự thảo này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng cao mức phạt đối với các hành vi như thay đổi đèn, còi các loại xe... Dư luận rất đồng tình với những đề xuất này. Tuy nhiên, hiện nay các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm về còi xe do còn thiếu thiết bị đo âm lượng nên không thể xử phạt theo cảm quan mà phải tuân theo các chứng cứ, số liệu cụ thể. Tại nhiều khu vực có lưu lượng xe qua lại lớn, việc xử phạt không phải đơn giản vì rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.
      Xây dựng ý thức của người tham gia giao thông là cả một quá trình. Trong đó, hành vi sử dụng còi đúng luật của người tham gia giao thông là một yếu tố quan trọng. Việc sửa đổi Nghị định số 46 nhằm tăng mạnh hình thức xử phạt hành vi thay đổi đèn, còi các loại xe là rất cần thiết. Bởi lẽ, khi sự tự giác không được thực hiện thì phải xử phạt thật nặng mới có thể nâng cao ý thức, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Muốn dẹp nạn “độ” còi xe, ngoài việc nghiêm trị những vi phạm, các ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao văn hóa, ý thức và trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông. Những quy định về sử dụng còi xe cần được phổ biến rộng rãi đến tất cả mọi người, nhất là đối với thanh niên, để họ thấy rõ việc lạm dụng bấm còi trên đường là hành vi thiếu văn hóa, gây nhiều tác hại và nguy hiểm cho xã hội. Khi đó, ý thức bấm còi của người dân khi tham gia giao thông sẽ được nâng cao. Tiếng còi sẽ trở về đúng chức năng vốn có là cảnh báo, bảo vệ an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông./.
Thu Hiền
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây