Những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông

Thứ sáu - 06/12/2019 22:56   Đã xem: 10087   Phản hồi: 0

1. Không uống rượu bia khi tham gia giao thông
Bởi khi sử dụng rượu bia, hệ thần kinh và các giác quan của người điều khiển phương tiện bị chất cồn tác động. Nhẹ thì làm làm suy giảm thị lực, thính lực, làm giảm tốc độ phản ứng của não bộ; nặng thì gây kích động, mất kiểm soát hành vi. Do những tác động trên, người điều khiển phương tiện sẽ không kịp phản ứng khi có tình huống xấu hoặc gây ra tai nạn cho bản thân và người khác. Để giữ an toàn giao thông thì người điều khiển phương tiện cần chấp hành quy định “đã uống rượu bia,không lái xe”.
2. Giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ
Một trong những lý do phổ biến gây ra tai nạn giao thông là chạy quá tốc độ; đặc biệt tại những khu vực ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ, khi có những phương tiện đi từ hướng khác ra, nếu đi quá nhanh sẽ khiến người điều khiển phương tiện không kịp phản ứng. Bởi vậy, giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ là một điều hết sức quan trọng, giúp người điều khiển sẽ có thời gian quan sát các ngã rẽ, các phương, các hướng và nếu có xe bất ngờ đi ra hoặc có biến cố xảy ra, người điều khiển phương tiện có thể ứng phó kịp thời để tránh xảy ra va chạm, tai nạn. Bên cạnh đó, những người điều khiển phương tiện từ trong ngõ, ngã rẽ ra cũng cần giảm tốc độ quan sát, bật đèn tín hiệu và nếu cần thiết thì phải bấm còi hoặc nháy đèn để báo hiệu cho những phương tiện đi ở hướng khác.
3. Không lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe
Ở nước ta, xe máy là phương tiện lưu thông chủ yếu, việc lách vào khe hở giữa hai xe để vượt lên là rất phổ biến. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không nên lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe, nhất là xe ô tô. Bởi khi lách vào khe hở này, hai xe hai bên mà khép vào sẽ gây ra tai nạn vô cùng thảm khốc và không thể có cách nào tránh được tai nạn ấy.
4. Sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách
Những trang thiết bị trên xe như gương chiếu hậu, đèn tín hiệu, đèn pha không phải tự nhiên mà có hay có chỉ để cho đẹp. Tất cả được thiết kế theo mục đích an toàn, tiện nghi cho người sử dụng của các hãng xe và sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách là điều quan trọng để giữ an toàn khi tham gia giao thông. Gương chiếu hậu có thể giúp người điều khiển quan sát được sau lưng và hai bên sườn, trong khi đó đèn tín hiệu giúp người điều khiển báo hiệu cho những người tham gia giao thông khác. Người điều khiển phương tiện cũng nên lưu ý cách sử dụng đèn chiếu gần và đèn chiếu xa (pha) cho đúng cách để tránh gây chói mắt cho những phương tiện đi ngược chiều.
5. Giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước
Lỗi đâm sau là lỗi phổ biến trong giao thông, xảy ra khi người điều khiển phương tiện đi trước bỗng dưng phanh gấp. Như vậy, để giữ an toàn cho bản thân và tuân thủ luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện nên giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
6. Tránh đi vào điểm mù của xe ô tô cỡ lớn
90% tai nạn xảy ra với xe ô tô cỡ lớn là do người điều khiển phương tiện giao thông đi vào điểm mù của những xe ô tô cỡ lớn (như xe container, xe tải, xe đầu kéo, xe ben, xe khách đường dài...). Những điểm mù này được tạo ra do chỗ ngồi của người lái xe ô tô cỡ lớn bị che khuất tầm nhìn do cabin gây ra, khiến cho người lái xe cỡ lớn không thể quan sát được những vị trí này. Những điểm mù phổ biến của xe ô tô cỡ lớn bao gồm những vị trí sau:
Vị trí ngay trước đầu xe: Tại vị trí này, chỗ ngồi của người lái xe rất cao nên khó quan sát ngay đầu xe mình lái. Để tránh điểm mù này, người lái xe không nên tạt ngang đầu xe ô tô cỡ lớn hoặc đi ngay trước đầu xe ô tô này.
Vị trí phía sau xe: Đây là vị trí bị khuất tầm nhìn nhất do xe ô tô cỡ lớn không có kính sau, khiến người lái xe không thể nhìn phía sau còn gương chiếu hậu chỉ nhìn được hai bên. Khi xe cỡ lớn phanh gấp hoặc lùi xe, vị trí này vô cùng nguy hiểm. Người điều khiển phương tiện không nên đi ngay sau xe ô tô cỡ lớn đề phòng rủi ro trên.
Vị trí hai bên đầu xe: Đây là vị trí nguy hiểm nhất, khi người lái xe nhìn qua gương chiếu hậu chỉ thấy được hông xe còn hai bên đầu xe hoàn toàn bị khuất tầm nhìn do người lái xe ngồi trên cao, đặc biệt là hông bên phải do người lái xe ngồi bên trái. Nhiều trường hợp hi hữu xảy ra khi xe ô tô cỡ lớn rẽ trái hoặc rẽ phải, do không quan sát được nên đã gây tai nạn giao thông. Người điều khiển phương tiện nên tránh đi vào điểm mù này, và cũng tránh vượt qua xe ô tô cỡ lớn khi đang ở ngã rẽ.
7. Lưu ý khi đi đường cao tốc
Đường cao tốc là tuyến đường dài dành cho các phương tiện lưu thông giữa các tỉnh thành với tốc độ cao, bởi vậy nếu không lưu ý khi đi đường cao tốc thì sẽ có thể gặp những tai nạn thương tâm. Khi tham gia giao thông và di chuyển trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện nên lưu ý những điều sau đây: Di chuyển với tốc độ yêu cầu trên đường cao tốc, không nhanh quá, không chậm quá; chú ý quan sát khi vào hoặc ra khỏi đường cao tốc, khi tới những ngã rẽ; đi đúng làn đường của mình, không chuyển làn đột ngột; khi vượt xe cần quan sát, sử dụng đèn tín hiệu và không đột ngột giảm tốc độ; không dừng, đỗ xe giữa đường; không sử dụng điện thoại, đeo tai nghe khi đi trên đường cao tốc…
8. Nhường đường cho xe ưu tiên
Việc nhường đường cho xe ưu tiên không chỉ là tuân thủ theo đúng luật giao thông, bảo vệ an toàn cho bản thân và xe ưu tiên mà còn thể hiện ý thức cao, nhường đường để xe ưu tiên có thể làm nhiệm vụ kịp thời, đúng lúc.
9. Sang đường đúng cách
Một lưu ý dành cho người đi bộ là cần phải tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là sang đường đúng cách để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác. Người đi bộ cần phải sang đường ở những nơi có vạch kẻ, biển báo dành cho người đi bộ, vạch kẻ ở ngã tư, hoặc cầu đi bộ, hầm đi bộ; đồng thời lưu ý khi sang đường phải quan sát hai bên, không đeo tai nghe hoặc dùng điện thoại. Trẻ con hoặc người già khi sang đường cần có người trưởng thành đưa sang.
10. Tuân thủ luật giao thông và chỉ dẫn của lực lượng chức năng
Tuân thủ theo luật giao thông có thể giảm thiểu đến 80% nguy cơ gây ra tai nạn. Bởi vậy, để giữ an toàn cho bản thân và những người khác khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện nên tuân thủ luật giao thông và chỉ dẫn của lực lượng chức năng...
Nguyễn Lan
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây