Hướng đến xây dựng giao thông thông minh

Thứ năm - 23/09/2021 02:43   Đã xem: 1010   Phản hồi: 0

Hệ thống giao thông thông minh (GTTM) là hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông. Trong những trụ cột chính của phát triển đô thị thông minh, phát triển hệ thống GTTM đóng vai trò hết sức quan trọng.

    Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông của Thái Nguyên đang từng bước được đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 38,7km đường cao tốc, 5 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 244km; 20 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 374km, đường Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài khoảng 22,6km; tuyến vành đai V dài 45km; đường Hồ Chí Minh dài 32km, giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác 17km. Ngoài ra, tỉnh còn có 92 tuyến đường huyện dài 742km, 2.240 tuyến đường xã dài trên 3.232km và hàng nghìn kilomet đường thôn, bản, nội đồng. Các tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cải tạo, nhựa hóa, bê tông hóa đạt 8.005km… Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng giao thông hiện vẫn chưa theo kịp với sự gia tăng phương tiện, lượng người tham gia giao thông. Hiện nay, Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân trên hộ dân với tỷ lệ 10,3%, chỉ xếp sau Hà Nội và Đà Nẵng (theo kết quả của tổng điều tra dân số nhà ở của Tổng cục Thống kê). Trong khi dân số của toàn tỉnh khoảng 1,3 triệu người, mật độ 347 người/km2. Riêng TP Thái Nguyên hiện có dân số khoảng 500.000 người, mật độ trên 1.900 người/km2
image 20210923134523 1
Ngành Giao thông vận tải Thái Nguyên phối hợp với Viettel Thái Nguyên xây dựng dữ liệu
cho Trung tâm điều hành thông minh tỉnh, trong đó có hệ thống điều hành giao thông thông minh
    Với mật độ dân số và phương tiện giao thông lớn như hiện nay thì việc tổ chức giao thông và điều tiết giao thông là vô cùng phức tạp. Với một hạ tầng kỹ thuật như vậy, việc đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của GTTM là rất khó khăn.
     Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Giao thông vận tải xác định nhiệm vụ trọng yếu là lấy “chuyển đổi số là khâu đột phá”. Trong đó, mục tiêu xây dựng hệ thống GTTM đồng bộ sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới. Mặc dù mới được nghiên cứu nhưng GTTM ở Thái Nguyên đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hiện nay, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đang triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên nền tảng số như: Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện; phần mềm quản lý bến xe khách, phần mềm quản lý vận tải, hệ thống quản lý thiết bị giám sát hành trình, phần mềm quản lý tuyến cố định, hệ thống quản lý giấy phép lái xe... Đồng thời, ngành tích cực phối hợp với Viettel Thái Nguyên để xây dựng dữ liệu cho Trung tâm điều hành thông minh tỉnh, trong đó có hệ thống điều hành GTTM. Trong giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các đơn vị trên địa bàn tỉnh, các địa phương, các doanh nghiệp vận tải phát triển các giải pháp về hệ thống GTTM gồm một số định hướng chính như: Hợp tác và khuyến khích các doanh nghiệp giao thông vận tải thông minh tham gia mở rộng thị trường tại Thái Nguyên. Hợp tác và khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp giải pháp kho bãi, logistics tham gia mở rộng thị trường tại Thái Nguyên qua các ưu đãi và tài trợ phù hợp. Ứng dụng các nền tảng công nghệ trong quản lý, vận hành các thiết bị của hệ thống GTTM. Xây dựng các nền tảng số để cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhận diện, kiểm soát tự động phương tiện; giám sát, điều hành GTTM; quản lý hồ sơ điện tử của phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện. Xây dựng các nền tảng số cung cấp dịch vụ để hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông. Ứng dụng các nền tảng công nghệ thanh toán điện tử hiện đại trong hoạt động thu phí. Xây dựng hệ thống kiểm soát nhận dạng phương tiện, hệ thống giám sát hành trình thông minh, hệ thống đèn tín hiệu, quản lý giao thông, quản lý điểm dừng đỗ xe thông minh...
     Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành hệ thống giao thông. Việc xây dựng hệ thống GTTM với những bước đi khoa học, bài bản trong tổng thể bức tranh thành phố thông minh, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển trong tương lai.
Ngọc Thơm
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây