Thái Nguyên triển khai thực hiện Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Thứ hai - 20/09/2021 03:46   Đã xem: 478   Phản hồi: 0

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Nghị định số 100/NĐ-CP có một số thay đổi lớn, đặc biệt là bổ sung, mô tả làm rõ hơn các hành vi vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi trực tiếp là nguyên nhân xảy ra các tai nạn giao thông.

     Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, các phòng chức năng của Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đã huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; xây dựng các kế hoạch chuyên đề như: kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong người có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; kế hoạch xử lý vi phạm làn đường, tốc độ... Theo báo cáo, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2021 giảm về số vụ, số người chết, tuy nhiên vẫn còn diễn ra phức tạp và không bền vững: TNGT đường bộ xảy ra 89 vụ làm chết 30 người; bị thương 86 người; làm hư hỏng 61 ô tô, 97 mô tô, tài sản thiệt hại ước tính 1.004 triệu đồng. So sánh với cùng kỳ năm trước: số vụ giảm 02 vụ (2,2%), giảm 02 người chết (6,25%), tăng 04 người bị thương (4,8%); không xảy ra TNGT đường sắt, đường thủy nội địa; không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
image 20210920144908 2
Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến giao thông
     Ngay sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông khi đi làm nhiệm vụ ngoài việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, còn tuyên truyền sâu rộng về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nội dung của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP tới tất cả người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng gặp một số khó khăn như: Nhiều đối tượng vi phạm những quy định đã phản ứng gay gắt khi các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, vì mức phạt trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cao so với thu nhập của người dân ở những vùng khó khăn, nên khi bị xử phạt, nhiều người không nộp phạt, bỏ phương tiện lại; đặc biệt là mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn có mức xử phạt cao nhất là từ 30 - 40 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất là từ 6-8 triệu đồng. Đáng chú ý, người đi xe đạp, xe đạp điện cũng bị phạt từ 80-100 nghìn đồng khi lái xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở... Trong 8 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng đã dừng kiểm tra, lập biên bản 20.902 phương tiện vi phạm trật tự ATGT; thu nộp ngân sách nhà nước 21.077.059.000 đồng; tạm giữ 507 xe ô tô, 3.024 xe mô tô, 44 phương tiện khác; tước giấy phép lái xe có thời hạn 2.817 trường hợp. Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP; nguyên nhân, hậu quả của TNGT; phối hợp với Ban ATGT, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Phòng PX03, Công an tỉnh xây dựng 54 tin, bài chuyên đề về ATGT với cuộc sống; trên gần 50 bài báo, phóng sự, bảng ảnh về tình hình trật tự ATGT… Qua đó, nâng cao ý thức của nhiều người khi tham gia giao thông.
     Có thể thấy sau hơn 1 năm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, làm thay đổi ý thức tham gia giao thông của người dân; đặc biệt là giảm TNGT và các hệ quả tiêu cực của tình trạng lạm dụng rượu, bia. Ðây là tín hiệu tích cực, góp phần bảo đảm tình hình trật tự ATGT, kéo giảm số vụ tai nạn, va chạm giao thông và những hệ lụy do rượu, bia gây ra. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, loại bỏ sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cần tiếp tục có sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đạt hiệu quả cao hơn nữa, bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, trong đó chủ công là lực lượng cảnh sát giao thông tích cực tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT để mỗi người dân tự nâng cao ý thức chấp hành vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng./.
Hồng Nhung
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây