Người tham gia giao thông cần có “Văn hóa giao thông”

Thứ hai - 14/10/2019 11:34   Đã xem: 7927   Phản hồi: 0

Trong những năm gần đây, an toàn giao thông (ATGT) đang là vấn đề lớn, phức tạp được cả xã hội quan tâm. Đâu đó trên một số tuyến đường có các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung về văn hóa giáo thông, như “Một người chấp hành luật giao thông, đem lại hạnh phúc cho nhiều người”, “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà”, “An toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người, hạnh phúc của mọi nhà”… Cùng với đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật thường xuyên những tin tức về ATGT, các vụ tai nạn giao thông (TNGT) để tuyên truyền, nhắc nhở và cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông phải luôn chấp hành nghiêm các quy định nhằm đem lại an toàn cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội.

      Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/9/2019), toàn quốc xảy ra 12.675 vụ TNGT, làm chết 5.659 người, bị thương 9.619 người. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT như: lượng xe lưu thông quá nhiều, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng phương tiện giao thông chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật; chất lượng của các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe chưa cao… Song nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng TNGT ở nước ta hiện nay là do ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông còn chưa cao. Có một nghịch lý là hằng năm tỷ lệ gia đình được tặng chứng nhận “Gia đình văn hoá” tương đối cao nhưng khi tham giao giao thông thì còn rất nhiều người lại có hành vi chưa văn hoá. Nhiều người khi tham giao thông còn uống rượu, bia, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ; trẻ em chưa đủ tuổi lái xe cũng tham gia điều khiển phương tiện giao thông; nhiều người tham gia giao thông dừng, đỗ xe trái quy định và có những hành vi bị nghiêm cấm như vứt rác, tiểu tiện... Đó chính là những biểu hiện kém về mặt ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
      Có nhiều giải pháp để nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân Việt Nam như: Giáo dục ý thức, văn hóa tham gia giao thông ngay tại mỗi gia đình, nơi cư trú, cơ quan, trường học…; phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông. Trong đó, trú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức, văn hóa giao thông cho người dân khi tham gia giao thông; công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải được mở rộng, thực hiện một cách đồng bộ từ cơ quan nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp đến các khu dân cư, tổ dân phố, mỗi gia đình và từng thành viên trong xã hội. Cần hình thành chương trình giảng dạy chính khoá về luật giao thông trong các nhà trường.
Văn hóa giao thông
Ảnh minh họa (nguồn internet)
      Văn hoá giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng Văn hoá giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông. Mỗi người khi tham gia giao thông đều phải thực hiện văn hóa giao thông bằng những việc làm cụ thể như: chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ, dừng, đỗ xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, chấp hành quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về giao thông…
      Văn hóa giao thông còn thể hiện ở tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho người khác; gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời; thấy sự cố về đường sá, phương tiện, phải báo hiệu, thông báo cho ban, ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lí; chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; phối hợp cùng cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác…
      Cư xử, ứng xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như: tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va chạm giao thông. Cư xử có văn hóa khi tham gia giao thông phải từ những việc nhỏ, từ những hành vi văn hóa đến xây dựng con người văn hóa. Có nhiều trường hợp chỉ va chạm nhẹ về phương tiện khi tham gia giao thông nhưng vì cư xử, ứng xử thiếu văn hóa nên dẫn đến xô xát, gây ra mâu thuẫn lớn.
      ATGT là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, mỗi người cần nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông để trở thành người tham gia giao thông có văn hóa. Khi văn hóa giao thông của mỗi người được nâng lên, những hành vi sai trái sẽ bị cộng đồng lên án. Từ đó, văn hóa giao thông của cả cộng đồng sẽ được nâng lên góp phần giảm thiểu TNGT.
Đoàn Yến
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây