Mất an toàn giao thông nông thôn – nỗi lo tiềm ẩn

Thứ ba - 08/10/2019 11:34   Đã xem: 1064   Phản hồi: 0

Giao thông nông thôn là một trong những mắt xích thiết yếu kết nối các vùng nông thôn với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, khu đô thị, khu công nghiệp. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông nông thôn được xác định là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng phục vụ phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường giao thương và giao lưu văn hóa.

      Những năm gần đây, hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hơn 8.000 km đường giao thông nông thôn, trong đó xây mới hơn 3.300 km, cải tạo, nâng cấp trên 4.600 km. Giao thông nông thôn phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn; giúp cho người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giầu; các dịch vụ xã hội được mở rộng; việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp cận tinh hoa văn hóa nhân loại cũng ngày một được nâng cao. 
      Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong khi đường xá thuận lợi, tốc độ phương tiện đi nhanh hơn dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao; tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành quy định về trật tự ATGT diễn ra khá phổ biến; với điều kiện sống được cải thiện, số lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là xe gắn máy và xe tải loại nhỏ. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng nông thôn mặc dù được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đảm bảo được an toàn cho người dân: đường vào thôn, xóm nhiều ngõ ngách, đường ngang, đường nhánh, nhiều vật che khuất tầm nhìn; thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm; tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông. Cùng với đó, là tình trạng vào mùa vụ, người dân lấn chiếm đường để phơi, đốt rơm, rạ khói mù mịt, hạn chế tầm nhìn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi đi qua những đoạn đường này…
image 20191008224026 1
Tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường để phơi rơm, rạ tiềm ẩn nhiều nguy cơ
 gây mất an toàn giao thông
      Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính chung 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 101 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 44 người và 80 người bị thương; trong đó nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra trên những tuyến đường giao thông nông thôn. Phần lớn nguyên nhân gây ra TNGT ở địa bàn nông thôn là do hành vi người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, chạy quá tốc độ, đi không đúng làn đường, sử dụng rượu bia, không hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ...; hầu hết người gây TNGT ở nông thôn trong độ tuổi thanh niên, chưa ý thức được trách nhiệm đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người khác khi tham gia giao thông, dẫn đến số vụ TNGT ở các đường giao thông nông thôn còn cao.
      Để khắc phục những hạn chế nêu trên, hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn một cách bền vững thì các cấp, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tăng cường công tác quản lý chất lượng phương tiện, thanh tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi, trách nhiệm của người tham gia giao thông với chính mình, gia đình, người thân, bạn bè và toàn xã hội bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp tại các hộ dân, qua loa truyền thanh xóm, xã, tại các buổi họp xóm, sinh hoạt đoàn thể nhằm hướng tới xây dựng văn hóa giao thông tại các khu vực nông thôn; chủ động phòng ngừa để hạn chế nguy cơ xảy ra TNGT, giảm tổn thất không đáng có về tính mạng và tài sản.
      Việc thiết lập trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông mang tính cấp bách và cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương; trong đó, các cấp chính quyền cơ sở, các đoàn thể tại địa phương đóng vai trò quan trọng. Đối với mỗi người dân, việc nâng cao văn hóa giao thông chính là tự nâng cao sự hiểu biết, tính tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông./.
                                                                   Diệp Huyền
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây