Làm rớt dầu xuống đường gây mất ATGT

Thứ ba - 10/12/2019 11:35   Đã xem: 1898   Phản hồi: 0

Vào khoảng 14 giờ, ngày 09/12/2019, trên Quốc lộ 3 cũ, đoạn gần lối rẽ vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Nguyên (sát cổng chào của thành phố Thái Nguyên lắp trên trục đường này), một chiếc xe lu (không có biển số) chạy trên đường đã làm rớt khá nhiều dầu nhớt xuống, làm ướt mặt đường thành một vệt dài.

      Khi đó, một số xe máy lưu thông trên đường không kịp tránh nên đi vào vệt dầu trên mặt đường và bị trượt ngã. Tại thời điểm đó, có 2 xe bị đổ, kéo lê trên mặt đường khoảng 7m (ảnh).
Do dau ra duong 2

      Những hình ảnh của người đi đường ghi lại cho thấy, khi đó, chiếc xe lu đã di chuyển cách nơi xảy ra tai nạn khá xa, theo hướng đi lên thành phố Thái Nguyên. Người dân cho rằng, chiếc xe này là của một đơn vị đang thi công san nền đường gần đó.
Do dau ra duong 1
      Mặc dù thời điểm gây tai nạn, chỉ có một số trường hợp bị ngã, xây sát, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương tiện và sức khỏe của người tham gia giao thông, nhưng nếu sự việc xảy ra vào ban đêm hoặc trên những đoạn đường thoáng, vắng người, xe cộ đi lại với tốc độ cao thì rất nguy hiểm, không những chỉ làm mô tô, xe gắn máy, xe đạp… trượt ngã, mà còn có thể làm ô tô mất lái, gây tai nạn.
      Hành vi làm rớt dầu ra đường giao thông là vi phạm pháp luật và đã có chế tài xử phạt. Cụ thể, tại khoản 2 và khoản 6 Điều 20 Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định mức xử phạt người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông như sau:
      “2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
      a) Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ;
      b) Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường;
      c) Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường
      6.  Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4  Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”.
      Đây là vấn đề mà cả người điều khiển phương tiện và chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện để đảm bảo an toàn giao thông cho xã hội./.
                                                                     Tin và ảnh: Trần Thép
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây