Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do sử dụng đèn chiếu sáng sai quy định

Chủ nhật - 06/10/2019 10:47   Đã xem: 833   Phản hồi: 0

Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm người tham gia giao thông thực hiện hành vi lắp đặt, sử dụng đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư. Khi tham gia giao thông thì xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

      Cụ thể: Khoản 12, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định  sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư là hành vi bị cấm, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Điều 5 và Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định việc sử dụng đèn chiếu xa trong khu đông dân cư có thể bị xử phạt tiền từ 600 đến 800 nghìn đồng đối với phương tiện ôtô; và từ 80 đến 100 nghìn đồng đối với phương tiện môtô, xe máyĐiểm a, Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền 800.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía sau xe. Ngoài ra, Điều 16 còn quy định tịch thu đèn lắp thêm, còi vượt quá quy định.
      Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chủ phương tiện, từ xe con đến xe khách, xe tải và cả xe máy, thường sử dụng các loại đèn chiếu sáng có cường độ mạnh nhằm tăng khả năng quan sát khi di chuyển vào ban đêm. Hơn thế, do sự thiếu ý thức của một bộ phận lái xe, đã có không ít trường hợp bật hoặc sử dụng đèn pha sai quy định như đèn led, đèn xeon, đèn laser có ánh sáng xanh hoặc trắng với cường độ mạnh hơn gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản; chiếu trực tiếp vào mắt người đối diện dẫn đến lóa mắt, mất thị lực tức thì trong vài giây, từ đó gây mất phương hướng. Điều này rất nguy hiểm cho các phương tiện khi đi trong thời điểm đêm tối, đặc biệt là những xe lưu thông ngược chiều, dễ xảy ra va chạm, thậm chí TNGT nghiêm trọng.
      Các loại phương tiện tham gia giao thông, theo nguyên tắc an toàn đều được trang bị hệ thống đèn chiếu gần (cốt) và đèn chiếu xa (pha) để chiếu sáng ban đêm hoặc phát tín hiệu cảnh báo. Trong đó, đèn cốt có góc chiếu thấp, giúp lái xe có thể quan sát được tình trạng mặt đường và các vật cản phía trước trong phạm vi gần, thường được khuyến cáo sử dụng khi di chuyển trong khu đô thị, khu đông dân cư. Ngược lại, khi ra đường cao tốc hoặc muốn quan sát các biển báo thì đèn pha của xe sẽ giúp người lái xe quan sát tốt hơn bởi cường độ ánh sáng mạnh hơn và tầm nhìn xa hơn có khả năng chiếu sáng khoảng 100m trở lên. Không phải vì thế mà các lái xe lạm dụng đèn pha bởi loại đèn này với góc chiếu cao và cường độ mạnh sẽ làm cản trở tầm nhìn và gây khó chịu những lái xe đi ngược chiều hoặc ngay cả những lái xe đi cùng chiều ở phía trước. Trong một vài tình huống, đèn pha có thể là nguyên nhân gây tai nạn bởi lái xe đối diện không thể quan sát tình hình giao thông để phản xạ kịp thời, đặc biệt, đối với phương tiện xe máy, xe đạp rất dễ tự gây tai nạn. Hành vi lên đèn pha, đèn độ khi tham gia giao thông có thể dễ dàng bắt gặp trong đô thị, khu vực đông dân cư lúc chiều tối nhập nhoạng.
ATGT Giang 6
Hiểm họa giao thông sau ánh đèn pha, đèn tự chế (Nguồn ảnh: Internet)
      Thực tế cho thấy, trên thị trường có muôn kiểu đèn độ với các hình dáng, giá cả khác nhau, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp. Hệ thống đèn nguyên bản đã được nhà sản xuất tính toán kỹ thuật an toàn. Nếu muốn chế thêm đèn buộc phải thay đổi kết cấu bên trong xe, đấu nối thêm đường điện,... Khi tự ý thay đổi, nguồn điện trong xe không tương thích rất dễ dẫn đến chạm, chập, cháy nổ. Chưa kể, khi chạy quãng đường dài sẽ sinh ra lượng nhiệt lớn, bình ắc quy ở tình trạng quá tải. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho người cùng tham gia giao thông cùng tuyến đường mà chính chủ nhân chiếc xe đó cũng có thể bị nguy hiểm do dễ xảy ra tình trạng chập điện gây cháy xe vì đấu nối thêm đèn. Việc tự ý sử dụng thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn không đúng quy định đã uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại, gây bức xúc trong dư luận, xã hội.
      Vậy, để ngăn chặn các nguy cơ xảy ra tai nạn và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông do đèn chiếu sáng, đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của mình và mọi người, mỗi lái xe cần trang bị cho mình kiến thức lái xe an toàn, đi đúng phần đường, rà phanh, giảm tốc độ xe để giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện phía trước nhằm tránh va chạm hay tai nạn giao thông; lắp đặt đầy đủ hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, đèn báo hãm… không lắp đặt, sử dụng đèn sai thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe; mở đèn chiếu sáng trong khoảng thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Các cơ quan chức năng phải có thêm những biện pháp xử lý răn đe đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng; kiên quyết xử lý phương tiện sử dụng và tự ý gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định; kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất. Tóm lại, sử dụng đúng đèn chiếu sáng hợp lý còn thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của mỗi người và sự tôn trọng người khác./.
Hà Giang
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây