Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trên quê hương cách mạng

Thứ ba - 18/09/2018 12:34   Đã xem: 2328   Phản hồi: 0

Trong bối cảnh toàn quốc đang kháng chiến, giữa lúc quân và dân ta phải tập trung đối phó với chiến dịch Thu Đông của quân Pháp, mỗi cán bộ, đảng viên hơn bao giờ hết càng phải gương mẫu nêu cao đạo đức cách mạng, dám chấp nhận hy sinh gian khổ, vì lợi ích của Tổ quốc, cuộc sống của nhân dân; phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu xa rời quần chúng và chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức. Để cán bộ, đảng viên hiểu và thực hiện được yêu cầu cấp thiết đó, tháng 10 năm 1947 tại Đồi Khau Tý thuộc xóm Nạ Tra, xã Thanh Định, (nay là xã Điềm Mặc), huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z đã viết xong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” và được Nhà Xuất bản Sự thật (nay là Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) in ấn, phát hành đầu năm 1948.
6
Bìa của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được xuất bản lần đầu tiên năm 1948
“Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm rất quan trọng, đề cập nhiều vấn đề lớn, vừa có tính lý luận, tính nguyên tắc, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân và ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng tới việc trau dồi đạo đức của người cán bộ, đảng viên; Người viết “Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quan sự mà sao nhãng việc học tập. Đó là khuyết điểm rất to,… Từ nay, chúng ta phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm”. Có nhiều loại khuyết điểm, song người xếp vào ba loại “bệnh”: “bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa”.
Nói về bệnh chủ quan, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đó là những chứng bệnh nguy hiểm gây tác hại to lớn cho cách mạng. Người cho rằng, cán bộ, đảng viên khi mắc bệnh chủ quan, thông thường giải quyết công việc theo ý muốn chủ quan, mà không căn cứ vào điều kiện khách quan và quy luật khách quan. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là do kém lý luận, coi khinh lý luận và lý luận suông.
Nói về bệnh hẹp hòi, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ “Bệnh hẹp hòi cũng cũng là một căn bệnh rất nguy hiểm mà nhiều cán bộ, đảng viên còn mắc phải”. “Trong” thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết, “Ngoài” thì nó phá hoại sự đoàn kết của nhân dân. Nhiều thứ bệnh như chủ quan địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá,… đều do bệnh hẹp hòi mà ra. Biểu hiện của bệnh hẹp hòi là tham danh vọng và địa vị. Vì danh vọng và địa vị nên khi phụ trách một bộ phận nào đó thì lôi kéo người này, kéo người khác, ưu ai thì kéo vào, không ưa ai thì đẩy ra. Người cũng cho rằng do bệnh hẹp hòi mà nhiều cán bộ, đảng viên đã mắc căn bệnh “Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế không biết liên lạc hợp tác với người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành cô độc”.
 Về bệnh ba hoa, Hồ Chí Minh đã nói: Thói ba hoa là cách nói và viết dài dòng, dùng chữ cầu kỳ, khó hiểu, nói và viết không nhằm đúng đối tượng, quần chúng không hiểu, cho nên bài nói có hay, viết có giỏi cũng không có tác dụng gì cả. Người nói và viết như vậy là chỉ căn cứ vào ý nghĩ chủ quan của mình, nói và viết cho mình nghe, chỉ một mình hiểu chứ không căn cứ vào trình độ của đối  tượng.
Hồ Chí Minh coi mỗi chứng bệnh này là một kẻ địch, mỗi kẻ địch bên trong là đồng minh của kẻ địch bên ngoài; địch bên ngoài không đáng sợ; địch bên trong chính là ý thức, những hành vi ứng xử sử lệch, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, không đúng với bản chất nhà nước Dân chủ nhân dân, điều đó đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra, dẫn đến những tổn thất về uy tín cho Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, chúng ta cần phải đề phòng những kẻ địch đó.
Trong “Sửa đổi lối làm việc”, bên cạnh những chứng bệnh nêu trên, Hồ Chí Minh cũng đề cập đến “cách đối với cán bộ”. Theo Người đối xử với cán bộ có năm cách: Cách thứ nhất là chỉ đạo - thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để phát triển năng lực và sáng kiến công tác của họ đúng với đường lối của Đảng. Cách thứ hai là luôn nâng cao tư tưởng cho cán bộ, tạo điều kiện cho họ học tập lý luận và cách làm việc. Cách thứ ba là thường xuyên kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm và sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Cách thứ tư là họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục giúp họ sửa chữa. Cách thứ năm là giúp đỡ họ khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn. Theo cách làm này sẽ khắc phục được những “bệnh” nêu trên, đồng thời động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực và bản lĩnh trong thực thi nhiệm vụ
Học tập và vận dụng sáng tạo những tư tưởng, quan điểm, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, 70 năm qua và sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ năm 1997, khi tỉnh Thái Nguyên được tái lập, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng nỗ lực phấn đấu vươn lên và đã có những bước tiến quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết chặt chẽ, phát huy truyền thống anh hùng trong đánh giặc cứu nước đã vượt qua khó khăn thách thức, sáng tạo trong lao động, tạo sự chuyển biến toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp. Từ một tỉnh miền núi, với nền sản xuất canh tác lạc hậu, đời sống vật chất và tinh thần sau chiến tranh còn thấp kém, đến nay Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế của khu vực trung du miền núi phía Bắc; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,6%; năm 2016 đạt 15,2%; năm 2017, đạt 12,75% (cao nhất trong vùng và cao gấp 2 lần mức bình quân chung của cả nước); thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, năm 2017 đạt 12.643 tỷ đồng. Các chính sách xã hội và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng, toàn tỉnh hiện nay có 68/143 xã (bao gồm 04 xã đã lên phường, thị trấn) đạt chuẩn nông thôn mới. Lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực; năm 2016 đào tạo nghề được 30.210 người; năm 2017 là 36.676 người. 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Giáo dục và đào tạo phát triển cả về mạng lưới, quy mô, loại hình. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 hoàn thành trước kế hoạch một năm; duy trì vững chắc phổ cập trung học cơ sở; đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 80,41%. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến 6/2018 chỉ còn 9%. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được coi trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hầu hết các tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Bình quân hằng năm từ kỳ 2010 - 2017, Đảng bộ kết nạp được trên 3.000 đảng viên; số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt gần 80%; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85%.
Ðại hội toàn quốc lần thứ XII của Ðảng (nhiệm kỳ 2016 - 2020) thống nhất quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt về công tác xây dựng Ðảng, để Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, đoàn kết nhất trí, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Chính vì vậy, trong giai đoạn cách mạng quan trọng này, chúng ta càng phải đi sâu nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, quan điểm, tác phong Chủ tịch Hồ Chí Minh để áp dụng vào quá trình đổi mới và hội nhập, đặc biệt là một số bài học trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Người sẽ giúp cán bộ đảng viên càng hiểu rõ trách nhiệm của mình, ra sức rèn luyện và phấn đấu để: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"./.
Hứa Thị Kiều Hoa
Trưởng phòng Khoa giáo,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập232
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại178,089
  • Tổng lượt truy cập18,338,431
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây