Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ qua tác phẩm “Đường Cách mệnh”, “Sửa đổi lối làm việc” và “cần, kiệm, liêm, chính”

Thứ năm - 07/09/2017 07:05   Đã xem: 1896   Phản hồi: 0

Đạo đức công vụ là hệ thống những quy tắc, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức (CBCC) trong thi hành nhiệm vụ, công vụ nhằm xây dựng một nền hành chính chính quy, hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, là một tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức trong việc thực hiện công vụ. Người đã để lại một di sản rất lớn về giá trị tư tưởng, trong đó có những tư tưởng liên quan tới việc xây dựng đạo đức công vụ.


Từ năm 1925, trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách ứng xử, giao tiếp với chính mình, với mọi người, với công việc của người làm cách mạng:“Tự mình phải: cần kiệm; hòa mà không tư; cả quyết sửa lỗi; cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi; nhẫn nại; hay nghiên cứu, xem xét; chí công vô tư; không hiếu danh, không kiêu ngạo; nói thì phải làm; giữ chủ nghĩa cho vững; hy sinh; ít lòng tham muốn về vật chất; bí mật. Đối với người phải: với từng người thì khoan thứ; với đoàn thể thì nghiêm; có lòng bày vẽ cho người; trực mà không táo bạo; hay xem xét người. Làm việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán; dũng cảm; phục tùng đoàn thể ”.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Hồ Chí Minh viết vào tháng 10/1947 phản ánh tư tưởng xây dựng Đảng của Người. Những tư tưởng được đề cập trong tác phẩm đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, nhất là trong công tác xây dựng đội ngũ CBCC. Đó là: Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác sẽ làm cho người CBCC biết sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý. Bất kỳ việc gì, “Phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”. “Bất kỳ địa phương nào, cơ quan nào, thường trong một lúc có nhiều công việc trọng yếu. Trong thời gian đó, lại có một việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa. Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan đó phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm sẽ làm cho người CBCC có quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch công tác. Hồ Chí Minh chính là con người của sự quyết tâm cách mạng, của ý chí “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”, của quyết tâm “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết tâm giành cho được độc lập” trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Phong cách làm việc của người CBCC phải luôn được đổi mới trên cơ sở có nhiều sáng kiến, thường xuyên tổng kết công tác, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Hồ Chí Minh cho rằng: Sáng kiến là “kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực”. Hồ Chí Minh quan niệm, sáng kiến không có gì là cao xa, mà là “bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”. Trong thực tế công tác, người CBCC nào hay có sáng kiến thì chính đó là người luôn luôn năng động, hăng hái, bất kể trong việc gì, to hay nhỏ. Người đó chính là đầu tàu của phong trào thi đua yêu nước.
Phong cách công tác của người CBCC không tách rời việc chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công việc của đơn vị. Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”. Công tác kiểm soát nếu được thực hiện tốt thì sẽ biết được ưu điểm, khuyết điểm của từng cá nhân và tập thể đơn vị, “mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”. Theo Hồ Chí Minh, kiểm soát có hai cách: Từ trên xuống và từ dưới lên, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu quốc: Thế nào là cần, 30/5/1949; Thế nào là kiệm, 31/5/1949; Thế nào là liêm, 01/6/1949; Thế nào là chính, 02/6/1949, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng bốn đức tính của người cán bộ: cần, kiệm, liêm, chính, Người viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Rèn luyện đức Cần cũng chính là sự thử thách, tôi luyện bản thân qua đó mỗi CBCC khẳng định được trình độ, năng lực, mức độ xử lý công việc của bản thân. Với khối lượng công việc trong các lĩnh vực cần xử lý, CBCC cần rèn luyện cho mình đức tính siêng năng, cần cù làm việc. Bên cạnh đó, cần sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý, việc nhỏ cho đến việc lớn phải có kế hoạch và tuần tự. Rèn luyện đức tính Cần còn biểu hiện ở việc rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Học tập và rèn luyện đức Kiệm đối với CBCC trước hết phải “là tiết kiệm thời gian, của cải vật chất, tinh thần cho nhân dân” như lời Người dạy. Học tập và rèn luyện đức Kiệm thực sự không quá khó khăn và cao siêu, tiết kiệm từ những việc làm hàng ngày, thường xuyên như tiết kiệm điện, tiết kiệm giấy, tiết kiệm thời gian cho bản thân và cho người khác …là những hành động thiết thực rèn luyện tính Kiệm theo lời Người dạy. Với vai trò là “người phục vụ trong nền công vụ”, là người được nhân dân trao nhiệm vụ và trực tiếp giải quyết các công việc trong nền hành chính, CBCC cần nhận thức được ý nghĩa, hiệu quả công việc được đảm nhận có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp. Giải quyết nhanh gọn trong các công việc được giao, giữ thái độ nhã nhặn, đúng mực khi tiếp xúc công dân cũng là phương pháp nhằm rèn luyện tính chuyên cần, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.
Liêm là đức tính CBCC cũng phải rèn luyện, bởi từ bỏ lòng tham về tiền bạc, danh vọng, địa vị, chức tước là việc làm rất khó. Mặt khác, khi thực hiện công vụ, người CBCC có điều kiện, được dùng các công cụ quyền lực để hỗ trợ công việc nên dễ sinh lòng tham và dễ bị cám dỗ. Tuy nhiên, để gánh vác trách nhiệm được giao, xây dựng niềm tin của người dân vào sự nghiệp phát triển đất nước, chữ Liêm cần phải rèn luyện hàng đầu. Khi thực hiện công việc không màng đến danh lợi, không cầu địa vị, chức tước thì công việc đó mới thực sự hiệu quả và sự nghiệp mà người CBCC đó theo đuổi mới vững bền.
Khi đã là “công bộc của nhân dân”, CBCC phải là người trung thực, thẳng thắn, đó là rèn luyện đức Chính. Người không có đức Chính, sẽ không hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đồng thời kết quả thực hiện nhiệm vụ không trung thực, thẳng thắn sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của Đảng và Nhà nước. Đức Chính cần được rèn luyện thường xuyên, bởi hôm nay trung thực, ngày mai có thể biểu hiện tiêu cực khi có cơ hội dùng của công vào việc tư, dùng ân huệ, ân oán cá nhân để giải quyết công việc. Do vậy, rèn luyện chính trực, thẳng thắn mang lại cho CBCC bản lĩnh trước những “cám dỗ” của tư lợi, lợi ích cá nhân và những tiêu cực khác. Có trung thực, thẳng thắn, người CBCC không ngại va chạm, không ngại khó khăn và sẵn sàng đấu tranh cho những lệch lạc trong nền công vụ, hướng tới xây dựng đội ngũ CBCC trong sạch, có đủ năng lực, bản lĩnh và trình độ để gánh vác nhiệm vụ, trọng trách được giao.
Tuy nhiên, có Cần mà không có Kiệm, có Kiệm mà không Liêm hay thiếu một trong bốn đức tính kia thì người CBCC chưa thực sự là công bộc của nhân dân. Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên tai hại.
Có thể thấy rằng, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cán bộ cách mạng trên đây là nền tảng giá trị sâu sắc không chỉ cho cách mạng Việt Nam thời kỳ Nhà nước còn non trẻ mà còn là thang giá trị căn bản để xây dựng đạo đức công vụ của nền hành chính nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.
                                                                                      Kiều Hoa
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập236
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại177,020
  • Tổng lượt truy cập18,337,362
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây