Những đổi thay trên quê hương cách mạng Võ Nhai

Thứ sáu - 22/10/2021 02:13   Đã xem: 1150   Phản hồi: 0

Trung đội Cứu quốc quân II (một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, với đội quân vũ trang chiến đấu kiên cường, dũng cảm đã góp phầm làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau hơn 75 năm khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, mảnh đất cách mạng giàu truyền thống này đang dần đổi thay.

     Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Ngay sau đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Ngày 13/10/1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập cuộc họp với các đảng viên ở Sa Khao, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương), quyết định thành lập Đội du kích Bắc Sơn, xây dựng Căn cứ du kích Bắc Sơn.
     Sau Hội nghị Trung ương tại Pác Bó, tháng 7/1941, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương dừng chân tại Bắc Sơn, quyết định Ban Chỉ huy mới của Cứu quốc quân đồng thời là Ban Lãnh đạo Căn cứ du kích Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng chí Chu Văn Tấn, Chỉ huy phó được phân công về Võ Nhai chỉ đạo phong trào ở đây. Trong thời gian này, Cứu quốc quân đã cùng với nhân dân Bắc Sơn - Võ Nhai anh dũng chiến đấu, chống trả cuộc khủng bố lớn của thực dân Pháp, đưa các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương vượt vòng vây địch, về xuôi an toàn. Trong điều kiện địch tăng cường khủng bố, lực lượng Cứu quốc quân ở Võ Nhai được củng cố lại. Ngày 15/9/1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trung đội Cứu quốc quân II (một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Sau khi bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ban hành, hòa chung với các địa phương trong cả nước, tại Thái Nguyên, nhiều cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nhanh chóng diễn ra. Tại Võ Nhai, ngay sau khi chiếm xong La Hiên và thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Châu Võ Nhai ngày 21/3, một bộ phận Cứu quốc quân và các đồng chí cán bộ Việt Minh gồm Lục Thị Nhân, Bùi Chí Tâm, Nông Thị Cầm, Hoàng Văn Ngũ, Hoàng Văn Bằng, Nguyễn Văn Quyên được phân công phối hợp với tổ chức cơ sở đảng và các đội tự vệ chiến đấu mở đại hội nhân dân thành lập chính quyền cách mạng các xã. Từ ngày 21 đến 23/3, chính quyền cách mạng các xã La Hiên, Cúc Đường, Thượng Nung lần lượt ra đời. Sau khi thành lập chính quyền cách mạng xã Thượng Nung, ngày 23/3, đoàn cán bộ của Mặt trận Việt Minh và Cứu quốc quân Võ Nhai chia thành hai bộ phận, một bộ phận tiến về thành lập chính quyền cách mạng ở các xã: Vũ Chấn, Nghinh Tường, Thần Sa và Văn Lăng; một bộ phận tiến về thành lập chính quyền cách mạng ở các xã Cường Thịnh (nay là Tân Long), Hoà Bình, Lịch Sơn và Xuân Quang (nay Xuân Quang và Lịch Sơn hợp nhất thành xã Quang Sơn). Ngày 26/3, chính quyền cách mạng các xã Tràng Xá, Phương Giao, Bình Long cũng lần lượt ra đời. Ngày 10/4, chính quyền cách mạng xã Lâu Thượng, Phú Thượng cũng được thành lập. Như vậy, Võ Nhai trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên và là một trong những huyện đầu tiên của cả nước sớm giành được chính quyền. Đó là thành quả đấu tranh của Nhân dân Võ Nhai dưới sự lãnh đạo của Đảng.
     Trải qua những năm tháng hào hùng đó, hôm nay trên mảnh đất cách mạng Võ Nhai đã và đang có nhiều đổi thay rõ rệt. Chủ trương quy hoạch lại vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác đã đem lại nhiều kết quả. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang phát triển sản xuất hàng hoá, Nhân dân đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường. Diện tích chè toàn huyện năm 2020 đạt trên 1,3 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt 11 nghìn tấn tăng hơn 68% so với năm 2015; tổng diện tích cây ăn quả đạt trên 1,5 nghìn ha (trên 1000 nghìn ha đã cho sản phẩm) tăng 57% so với năm 2015, một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Na (xã La Hiên), bưởi (xã Tràng Xá), ổi (xã Phú Thượng)... Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt trên 70 triệu đồng/1ha (tăng 26,92% so với năm 2015)... Các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, tổ hợp tác và làng nghề trên địa bàn từng bước được hình thành và tiếp tục có sự phát triển. Công tác xóa đói, giảm nghèo có sự chuyển biến tích cực (tỷ lệ hộ nghèo từ 31,86% năm 2016, đến 6/2021 còn 9,58%). Đáng chú ý là sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 6/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
image 20211022131605 1
Hội đồng thẩm tra xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới huyện Võ Nhai
kiểm tra đơn vị đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 tại xã Bình Long
     Cùng với phát triển nông nghiệp, đầu tư xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư cũng được huyện Võ Nhai đặc biệt quan tâm. Cụm công nghiệp Trúc Mai được thành lập và hoạt động sau gần 14 năm, mặc dù còn gặp những khó khăn song không thể phủ nhận cụm công nghiệp này đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
     Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm của huyện cũng đang được triển khai thực hiện, góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, huyện đã tập trung phát triển thế mạnh về du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn như: Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (xã Phú Thượng); khu di tích Khảo cổ học thời đại đồ đá cũ Mái đá Ngườm (xã Thần Sa); địa điểm thành lập Trung đội Cứu quốc quân II tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá)... Theo thống kê, mỗi năm huyện đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
     Lịch sử là dòng chảy vô tận và giá trị của lịch sử sẽ luôn sống mãi với thời gian. Với tinh thần đấu tranh anh dũng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Võ Nhai đã phát huy sức mình, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc Võ Nhai đã và đang đoàn kết, khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua đói nghèo xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.
                                                                                                  Kiều Hoa


 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập340
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại177,532
  • Tổng lượt truy cập18,337,874
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây