Thái Nguyên: Quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số

Thứ bảy - 16/10/2021 06:01   Đã xem: 1006   Phản hồi: 0

Dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Thái Nguyên chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh và sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao là: Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hành đầu”, “Giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thái Nguyên luôn quan tâm đến phát triển giáo dục -  đào tạo vùng DTTS và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương.

     Thái Nguyên hiện có 682 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 6 trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), 10 trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Văn hóa 1 trực thuộc Bộ Công an. Những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách cho việc xây dựng cơ sở vật chất các trường PTDTNT, PTDTBT đã được ban hành và triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như: Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non và tiểu học cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2017 - 2020; Dự án phát triển các trường THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 với tổng kinh phí dự kiến là 966 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 832 tỷ đồng; Đề án đầu tư xây dựng các trường phổ thông bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng kinh phí 194.477 triệu đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là 99.344 triệu đồng; HĐND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 116/HĐND-VP về việc nâng cấp, mở rộng quy mô các trường PTDTNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí đầu tư 275,4 tỷ đồng....
     Theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC- BGDĐT ngày 29/5/2009 của Liên bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông DTNT và các trường dự bị đại học dân tộc, học sinh học các trường phổ thông DTNT được hưởng chế độ bằng 80% mức tiền lương cơ sở. Thực tế, đặc thù học sinh nội trú, ăn uống hằng ngày đều tập trung tại ký túc xá nên các trường đã sử dụng toàn bộ số tiền các em được hưởng theo chế độ để lo việc tổ chức ăn uống hằng ngày, bao gồm ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và chi phí chất đốt. Trong khi đó, học sinh các trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh đều là con em đồng bào DTTS, phần lớn thuộc diện gia đình khó khăn nên không có điều kiện bồi dưỡng thêm vào các bữa ăn ở trường. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, ngày 21/8/2018 quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh các trường phổ thông DTNT thuộc tỉnh quản lý. Học sinh đang học tại các trường phổ thông DTNT thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý sẽ được hỗ trợ 20% mức tiền lương cơ sở/tháng/học sinh, thời gian hưởng là 10 tháng/năm nhằm hỗ trợ bữa ăn hằng ngày. Đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh Thái Nguyên đối với con em đồng bào đang học tập tại các trường phổ thông DTNT cải thiện chế độ dinh dưỡng để phát triển trí tuệ, thể chất, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của hệ thống trường chuyên biệt này.
image 20211016170357 1
Hình ảnh buổi tuyên truyền về các kỹ năng sống, giáo dục giới tính
cho học sinh Trường PTDTBT THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai
     Nhờ có chính sách phát triển giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số của Trung ương và của tỉnh đã giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở những vùng DTTS có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng thời cũng gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho các địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đến nay, Thái Nguyên có 6 trường PTDTNT với tổng số 2.391 học sinh nội trú (tỷ lệ học sinh được học ở trường PTDTNT đạt 8,03%), trong đó có 3/6 trường đạt chuẩn quốc gia (2 trường cấp THCS và 1 trường THPT). Cán bộ quản lý và giáo viên của các trường PTDTNT cũng được thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, với 20,13% cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên và 74,21% có trình độ cử nhân. Nhờ đó, chất lượng dạy và học ở các trường PTDTNT được cải thiện rõ rệt với 74,11% số học sinh cấp THCS và 96,67% số học sinh cấp THPT xếp loại học lực khá, giỏi và 89,80% số học sinh cấp THCS và 98,75% số học sinh cấp THPT xếp loại hạnh kiểm tốt.
     Đối với các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh có 2 trường tiểu học, 8 trường cấp THCS. Đánh giá định kỳ về học tập trong năm học 2019 - 2020, các trường tiểu học có mức đánh giá học tập hoàn thành trở lên và đánh giá về năng lực phẩm chất từ mức đạt trở lên đối với các học sinh là DTTS đạt 98,9%; các trường cấp THCS có tỉ lệ học sinh là người DTTS đạt học lực khá, giỏi là 35,8% và đạt xếp loại hạnh kiểm khá trở lên là 96,9%. Đối với các trường có học sinh bán trú, tỉ lệ số học sinh bán trú là DTTS trên tổng số học sinh bán trú ở các cấp Tiểu học, Tiểu học và THCS, cấp THCS lần lượt là 59,8%, 97,1% và 91,8%.
     Hoạt động giáo dục phát triển toàn diện của học sinh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của các trường PTDTNT, PTDTBT đều được chú trọng như: Thường xuyên tổ chức sinh hoạt đội cho học sinh với nhiều chủ đề phong phú với tên gọi “Thứ bẩy nội trú, “Tiếng Việt của chúng em”; tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, tổ chức ngày tết dân tộc, hội thi học sinh các dân tộc thanh lịch, thi văn nghệ, thể dục thể thao, tìm hiểu văn hóa các dân tộc, khu di tích lịch sử,...
     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục - đào tạo vùng DTTS tỉnh Thái Nguyên còn có những khó khăn, hạn chế như: Chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng sâu còn thấp. Còn ít học sinh là người dân tộc thiểu số thi được vào các trường đại học: Y dược, Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân hoặc các chuyên ngành viễn thông, công nghệ thông tin...Nhiều sinh viên người DTTS đã tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm. Định mức biên chế giáo viên/lớp và chế độ, chính sách đối với nhân viên làm việc trong các trường PTDTNT chưa phù hợp với đặc thù công việc. Việc đào tạo nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa sát và chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế tại các địa phương.
     Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 14/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra chỉ tiêu cụ thể đến hết năm 2025 đối với công tác giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số là: 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú; huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đi học đạt 100%, trong đó quan tâm trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguy cơ thất học”. Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện địa hóa và hội nhập quốc tế; để giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên cần khắc phục các hạn chế nêu trên và triển khai thực hiện các giải pháp sau:
     Một là, thực hiện nghiêm túc quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về việc “Củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; phấn đấu có 90% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú theo hướng hiện đại”.
     Hai là, tiếp tục phát triển quy mô xây dựng mạng lưới trường lớp phù hợp.  Xây dựng kiên cố và trang bị cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đảm bảo cho số con em dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định được vào học để tạo nguồn cán bộ, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của tỉnh.
     Ba là, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với vùng núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường dạy nói tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi tại các xã miền núi vùng sâu để chuẩn bị cho các cháu vào học tốt ở lớp 1.
     Bốn là, phát triển hơn nữa hệ thống các trường DTNT các cấp, gắn công tác tuyển sinh với quy hoạch đào tạo; tạo ra sự liên thông giữa tuyến dưới với tuyến trên, quan tâm tuyển các đối tượng người dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh nữ người dân tộc.
     Năm là, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ cho các giáo viên hiện đang công tác tại thôn, bản của đồng bào dân tộc ít người, thường xuyên tổ chức đào tạo lại đội ngũ này.
     Sáu là, tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục cho đồng bào người DTTS, thực hiện phân luồng học sinh phổ thông DTTS vào học nghề; lựa chọn, giao nhiệm vụ dạy nghề cho một số trường dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh có chỗ ở nội trú cho học sinh và có đủ các điều kiện theo quy định, đáp ứng quy mô đào tạo đối tượng học sinh DTTS học nghề nội trú.
     Chính sách giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi được Đảng ta quan tâm và lãnh đạo thực hiện trong công cuộc đổi mới đã góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc đổi mới đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách phát triển giáo dục - đào tạo vùng DTTS nói riêng của Thái Nguyên không chỉ thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng về vị trí, vai trò, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên nhanh và bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Hứa Thị Kiều Hoa


 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập228
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại177,783
  • Tổng lượt truy cập18,338,125
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây