Đập tan cuộc hành binh phôcơ, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch biên giới

Thứ sáu - 02/10/2020 22:21   Đã xem: 970   Phản hồi: 0

Tháng 6-1950, tại ATK Định Hóa, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng phần biên giới phía Đông Bắc, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giành chủ động về chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ.

      Ngày 25-7-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương họp tại ATK Định Hóa,
   quyết định mở Chiến dịch Biên giới (Ảnh tư liệu)
      Lực lượng tham gia Chiến dịch gồm Đại đoàn 308; các Trung đoàn 209, 174; 3 tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc; các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích hai tỉnh Cao - Lạng. Ngoài ra, còn có 4 đại đội sơn pháo (20 khẩu pháo 70 và 75 li), 5 đại đội công binh. Tổng lực lượng tham gia Chiến dịch tương đương 2 đại đoàn.
      Ban đầu, ý định tác chiến của ta đánh Cao Bằng trước. Sau khi trinh sát thực địa, nhận thấy Cao Bằng là nơi địch bố trí lực lượng mạnh, có pháo đài kiên cố. Đánh Cao Bằng phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp (vượt sông, đánh quân nhảy dù...) nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang phương án mới: Đánh Đông Khê mở màn chiến dịch, vừa bảo đảm chắc thắng, cô lập được Cao Bằng, vừa tạo điều kiện để đánh viện binh địch. Phương án này được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn.
      Do tính chất tối quan trọng của Chiến dịch, Liên khu ủy Việt Bắc đã chỉ đạo động viên sức người, sức của, điều động khoảng một nửa số cán bộ, huy động lực lượng lớn dân công trong Liên khu tham gia phục vụ chiến dịch. Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 76/NQ-TN ngày 15-7-1950, giao các huyện huy động 277 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương đi phục vụ Chiến dịch trong 3 tháng. Kết quả, các huyện đã huy động được 308 cán bộ, chiến sĩ, vượt chỉ tiêu 31 người. Để đảm bảo giao thông, đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hậu cần cho Chiến dịch, Tỉnh ủy phát động “Chiến dịch sửa chữa, xây dựng cầu đường lần thứ nhất”, thu hút gần 50% cán bộ các cơ quan dân - chính - đảng trong tỉnh tham gia. Phục vụ Chiến dịch, quân dân Thái Nguyên đã góp hàng vạn ngày công, đào đắp hàng nghìn mét khối đất đá, sửa chữa và làm mới hàng chục cầu lớn, nhỏ, khai thông các tuyến đường 13A (Thái Nguyên - Tuyên Quang) và đường 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn). Nhân dân Thái Nguyên còn đóng góp cho Chiến dịch 8.000 tấn thóc và 5.190.108 đồng tiền mặt.
Đảng uỷ Chiến dịch Biên giới, từ trái qua: Uỷ viên Quân uỷ Trung ương Bùi Quang Tạo,
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật Trần Đăng Ninh,
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm
và ngồi hàng sau là Tổng Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (Ảnh tư liệu)
      Đầu tháng 9 - 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia Chiến dịch. Ngày 13-9-1950, Bác đến mặt trận Đông Khê. Sáng sớm ngày 16-9-1950, Bác lên đài quan sát Chiến dịch (ở đỉnh Ngườm Cuông, núi Báo Đông) theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới.
      Sáng ngày 16-9-1950, ta nổ súng tấn công cứ điểm Đông Khê. Sau 54 giờ chiến đấu gay go, quyết liệt, trận đánh kết thúc với thắng lợi giòn giã của bộ đội ta. Thế trận của địch bị lung lay mạnh, Cao Bằng bị cô lập, Thất Khê và hàng loạt vị trí trên tuyến phòng thủ đường số 4 bị uy hiếp. Bộ Chỉ huy quân đội Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng với kế hoạch: một mặt, tổ chức một binh đoàn do Lơ Pa-giơ (Le Page) chỉ huy, từ Thất Khê tiến lên đón quân ở Cao Bằng do Sác-tông (Charton) chỉ huy rút về; mặt khác, dùng gần hết lực lượng cơ động dự bị còn lại ở Bắc Bộ mở cuộc hành binh lớn mang tên Phôcơ (Phoque) đánh lên Thái Nguyên hòng thu hút lực lượng ta quay về đối phó, đỡ đòn cho quân ở biên giới.
      Về phía ta, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chủ trương: kiên trì chờ đánh viện binh địch, sẵn sàng đánh xuống Thất Khê nếu chúng không lên; không điều quân chủ lực về Thái Nguyên mà sử dụng lực lượng tại chỗ đánh địch.
      Trưa 1-10, binh đoàn Lơ Pa-giơ lên tới cửa ngõ Đông Khê bị quân ta chặn lại. Binh đoàn Sác-tông  cũng bắt đầu rút từ Cao Bằng. Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cánh quân Lơ Pa-giơ  trước, đồng thời kiềm chế, sau đó tiêu diệt cánh quân Sác-tông. Sau 8 ngày đêm chiến đấu liên tục và ác liệt bằng vận động chiến, đến ngày 8-10, bộ độ ta đã tiêu diệt và bắt sống cả hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông, đồng thời đánh lui một cánh quân địch nữa từ Thất Khê lên cứu viện.
      Trong thời gian đó, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp huy động khoảng 4.000 quân có máy bay yểm trợ, từ 29-9-1950 chia làm 3 hướng đánh lên Thái Nguyên. Theo kế hoạch đã chuẩn bị, bộ đội địa phương và dân quân, du kích Thái Nguyên cùng với các đơn vị chủ lực (gồm các trung đoàn 246, 121 và các tiểu đoàn 64, 68) chủ động chặn đánh địch quyết liệt. Từ ngày 10 đến 12-10-1950, quân Pháp phải rút khỏi địa bàn Thái Nguyên. Sau hơn 10 ngày chiến đấu, quân và dân Thái Nguyên đã đánh trên 60 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt gần 600 tên địch, làm bị thương hơn 350 tên, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 3 ca nô, thu 160 súng các loại…góp phần bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc; phá âm mưu đỡ đòn cho Biên giới của địch.
      Trên mặt trận Biên giới, quân ta tiếp tục truy kích, tiêu diệt địch. Bị thất bại nặng nề, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút chạy khỏi Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập. Hệ thống phòng thủ biên giới mà địch dày công xây dựng nhanh chóng sụp đổ. Ngày 14-10-1950, chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Sau 29 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt 10 tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu 8.300 tên, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy hai binh đoàn Lơ Pa-giơ, Sác-tông và đồn Đông Khê; thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh; giải phóng một vùng đất đai với hàng chục vạn dân, một dải biên giới dài mấy trăm kilômét, phá thế phải chiến đấu trong vòng vây của địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
       Chiến dịch Biên giới “là một điển hình thành công về đánh tiêu diệt lớn, đánh dấu một bước tiến quan trọng của ta về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật chiến dịch, một sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội về trình độ tác chiến tập trung, về chiến thuật, kỹ thuật”. Chiến dịch Biên giới làm thay đổi cục diện chiến trường, ta bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Đây cũng là lần đầu tiên ta thực hiện kế hoạch tác chiến mới “Đánh điểm diệt viện” với mục tiêu chủ yếu là đánh tiêu diệt quân địch ngoài công sự.
       Đối với địch, đây là thất bại nặng nề chưa từng có trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, Kế hoạch Rơve bị phá vỡ, quân Pháp bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động, ý chí xâm lược bị giáng một đòn nghiêm trọng.
      Với sự ủng hộ đắc lực về nhân lực, vật lực; sự tham gia hiệu quả phục vụ Chiến dịch Biên giới và trực tiếp chiến đấu anh dũng đập tan cuộc hành binh Phôcơ, quân dân Thái Nguyên đã đóng góp tích cực vào thắng lợi có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng của chiến cuộc Thu - Đông 1950, đặc biệt là Chiến dịch Biên giới, mở ra một cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ta.
Hà Minh Lợi

 Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I, Quyển 2, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội - 2018.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Tập I - Xuất bản năm 2003.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội - 2003.
4. Các tạp chí điện tử: Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.



 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập16
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại176,798
  • Tổng lượt truy cập18,337,140
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây