Thái Nguyên tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS

Thứ tư - 16/09/2020 06:41   Đã xem: 866   Phản hồi: 0

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” (Chỉ thị số 54-CT/TW) trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương trong tỉnh và đạt được kết quả tích cực.

      Chỉ thị số 54-CT/TW xác định:“HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm hoạ đối với sức khoẻ, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc; HIV/AIDS tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, văn hoá, trật tự và an toàn xã hội của đất nước; công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và phức tạp; đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp và gián tiếp”. Do vậy, Thái Nguyên luôn xác định tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế - xã hội; tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giao Công an tỉnh là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó gắn với chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến tháng 6/2020, tỉnh Thái Nguyên có 5.071 người nhiễm HIV (trong đó: nam là 3.566 người; nữ là 1.505 người; phụ nữ mang thai: 89 người;trẻ em dưới 6 tuổi: 116 người; tỷ lệ người nhiễm trong độ tuổi lao động từ 25 - 49 chiếm 83%); 178/178 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS; tỷ lệ người nhiễm HIV tập chung chủ yếu trong các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao (người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới).
      Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thái Nguyên luôn quan tâm chú trọng công tác thông tin truyền thông với nhiều đổi mới, hình thức đa dạng, phong phú về nội dung; xây dựng nhiều mô hình Câu lạc bộ hoạt động tích cực như: CLB “Đồng cảm”; Nhóm “Hoa Hướng Dương”; “Tình nguyện”; “Hoa Huệ”; “Làm mẹ”; “Bạn giúp bạn”; “Vòng tay nhân ái, hướng tới tương lai”. Những nhóm này, bước đầu hoạt động tích cực trong công tác tuyên truyền, điều trị dự phòng, hỗ trợ người có HIV khám, chữa bệnh và điều trị… Mô hình kết nối dịch vụ và chăm sóc trẻ em bị ảnh bởi HIV/AIDS do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức phi Chính phủ Catholic Relief Services tại Việt Nam (CRS) triển khai thực hiện tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ từ cuối năm 2010 đã hỗ trợ sách, vở cho 14 trẻ, tặng sữa cho 10 trẻ; 3/4 trẻ nhiễm HIV được hưởng hỗ trợ hằng tháng với mức 180.000 đồng/tháng; mở 5 lớp tập huấn kiến thức về phòng tránh lây nhiễm, cách chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS… Ngoài ra, các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán độ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS”, hoạt động truyền thông, tư vấn về thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (Thông điệp K=K) giúp người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực hơn, đặc biệt là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giới và HIV/AIDS.
k=k tai thai nguyen
Sở Y tế tổ chức sự kiện khởi động chiến dịch Không phát hiện = Không lây truyền (K=K)
      Để phát huy truyền thống tương thân, tương ái cùng tham gia hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV, nhất là việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, Thái Nguyên đã tăng cường hợp tác quốc tế, vận động viện trợ, thu hút nguồn lực từ các dự án, doanh nghiệp trên địa bàn như Dự án do Quỹ toàn cầu; Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam; Văn phòng tổ chức Hợp tác và Phát triển Y tế Dự án Việt Nam; Dự án “Chăm sóc toàn diện dựa vào cộng đồng cho trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”; dự án “Hỗ trợ chăm sóc và tuân thủ điều trị tại nhà”... Với cách làm đó, Thái Nguyên đã huy động được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư, xã hội, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS và gia đình ổn định kinh tế để chăm sóc, điều trị người bệnh.
      Chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai phù hợp với từng đối tượng; trung bình mỗi năm: số người nghiện chích ma túy được tiếp cận dịch vụ từ 1.500 đến 2.500 người; số gái mại dâm được tiếp cận dịch vụ từ 150 đến 350 người; tính đến 30/6/2020, toàn tỉnh có 2.373 bệnh nhân đang điều trị đạt 69,82% so với chỉ tiêu là 3.460 bệnh nhân; toàn tỉnh có 12 cơ sở chăm sóc, điều trị với 3.893 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), trong đó có 116 bệnh nhân là trẻ em. Tổng số mẫu xét nghiệm tải lượng vi rút HIV thực hiện 3.289/3.893 bệnh nhân đang điều trị ARV cần xét nghiệm, đạt 84,48%, tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng vi rút đạt dưới ngưỡng ức chế 96,78%. Đến nay, 10/10 cơ sở; có 2 cơ sở (Bệnh viện A và Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên) cấp thuốc ARV qua BHYT theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được triển khai từ năm 2008 tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh với nội dung tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng lây từ mẹ sang con, theo dõi cặp mẹ con... Các trường hợp phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính được tư vấn điều trị ARV và theo dõi cặp mẹ con đầy đủ; số trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV giảm dần qua các năm, đặc biệt trong 3 năm 2017-2019 không có trường hợp trẻ bị lây từ mẹ nhiễm HIV.
      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: việc tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ở một số đơn vị, địa phương chưa được chú trọng đúng mức; hoạt động tuyên truyền còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu nên hiệu quả chưa cao; tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn; phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông còn hạn chế; đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở còn ít, chủ yếu là làm việc kiêm nhiệm; kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS hạn chế, chưa huy động được nhiều các nguồn từ xã hội hóa; công tác thanh tra, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ở các ngành, địa phương, đơn vị chưa thường xuyên.
      Để thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW; tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống HIV/AIDS; kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều thành tích trong phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đến mọi đối tượng; phối hợp liên ngành, huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng, tổ chức lồng ghép công tác phòng, chống HIV/AIDS, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dân số, gia đình, trẻ em với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; triển khai Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, chú trọng tới các xã, phường có nguy cơ tệ nạn xã hội; tăng cường điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc điều trị ARV; duy trì việc điều trị Methadone tại các địa phương; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây truyền HIV; thực hiện các chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Huy động nguồn lực, xã hội hoá, tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng việc vận động tham gia các hoạt động: đào tạo nghề, tìm việc làm, tạo việc làm, phát triển các mô hình lao động, sản xuất kinh doanh mang tính bền vững cho cho người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS./.
Hồng Nhung
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17280 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập59
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại181,309
  • Tổng lượt truy cập18,341,651
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây