THÁI NGUYÊN CÙNG NAM BỘ KHÁNG CHIẾN

Thứ ba - 22/09/2020 06:46   Đã xem: 404   Phản hồi: 0

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Nhưng với dã tâm xâm lược, được Anh, Mỹ và các thế lực phản động dung túng, hỗ trợ, thực dân Pháp từng bước hành động, quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

      Thi hành quyết định của Hội nghị Pốtxđam, quân đội Anh và Trung Hoa dân quốc kéo vào Việt Nam giải giáp, tước vũ khí quân Nhật, trong đó quân Anh làm nhiệm vụ từ vĩ tuyến 16 trở vào. Ngày 6/9/1945, đơn vị tiền trạm của quân Anh tới Sài Gòn, mang theo 120 lính Pháp thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 mặc quân phục Anh. Ngày 11/9/1945, tướng Graxây, Tư lệnh Sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đi theo có một lữ đoàn của Sư 20 và hai đại đội biệt kích thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 Pháp ngang nhiên mặc quân phục Pháp. Đến Sài Gòn, Graxây cho lấy vũ khí của Nhật trang bị cho số tù binh Pháp bị Nhật giam giữ ở đây và một số Pháp kiều; điều bảy tiểu đoàn lính Nhật từ các tỉnh Nam Bộ về Sài Gòn làm nhiệm vụ cảnh sát, gây sức ép, giúp thực dân Pháp từng bước tổ chức lại bộ máy cai trị. Tính đến ngày 22/9/1945, lực lượng Anh, Pháp, Nhật ở Sài Gòn có hơn10.000 tên, trong đó, có khoảng 2.500 lính Anh, 2.500 lính Pháp, 500 Pháp kiều có vũ trang và 5.000 lính Nhật được trang bị mạnh, có không quân và hải quân chi viện.Trong khi đó,lực lượng vũ trang cách mạng Sài Gòn còn non trẻ, chủ yếu là 360 tổ Xung phong Công đoàn do Tổng Công đoàn Nam Bộ thành lập với quân số gần 6.000 người, trang bị 60 súng, còn lại là dao, kiếm, gậy tầm vông. Ở các huyện ngoại thành và vùng lân cận thuộc các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một… có dân quân tự vệ, trang bị gậy tầm vông, giáo, mác và một số ít súng trường, súng săn.
      Đêm 22, rạng ngày 23/9/1945, quân Pháp với sự hỗ trợ của quân Anh nổ súng, đánh chiếm một số công sở của ta tại Sài Gòn. Các chiến sĩ của ta đã chiến đấu dũng cảm, gây cho địch nhiều thiệt hại về người và phương tiện chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam bắt đầu.
      Sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ - có sự tham dự của đại diệnThường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minhlà đồng chí Hoàng Quốc Việt, họp khẩn cấp tại một căn nhà trên đường Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) bàn việc đối phó với hành động chiến tranh của kẻ thù. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kháng chiến và thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ban hành ngay Tuyên cáo Quốc dân, kêu gọi nhân dân tổng đình công, phá hoại đường giao thông, đứng lên kháng chiến, thực hiện bao vây, đánh du kích, tiêu diệt địch. Nhân dân Sài Gòn hăng hái hưởng ứng Tuyên cáo Quốc dân. Các công sở, hiệu buôn, chợ búa đều đóng cửa; nhà máy điện, nhà máy nước bị phá hủy; chướng ngại vật được dựng lên các đường phố; nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra trên các đường phố chính, khu vực nhà ga xe lửa, chợ Bến Thành, cầu Ông Lãnh, cầu Thị Nghè…
      Ngay sau khi Nam Bộ kháng chiến, tại Bắc Bộ Phủ, Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị chấp thuận quyết định kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của; quyết định thành lập các đơn vị Nam tiến; cử cán bộ tăng cường cho Nam Bộ. Ngày 24/9/1945, Chính phủ lâm thời gửi Huấn lệnh đến quân và dân Nam Bộ. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, nêu rõ niềm tin của Người đối với quân và dân Nam Bộ: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”.
      Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, ở khắp các tình thành, nhiều cuộc biểu tình, mít tinh nổ ra với khẩu hiệu “Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”. Hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ lập “Phòng Nam Bộ” để ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu gồm cả già, trẻ, gái, trai, công nhân, nông dân, trí thức. Một số nhà sư cũng tình nguyện lên đường giết giặc. Ngày 26/9/1945 - ba ngày sau khi Nam Bộ kháng chiến, tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội, đoàn tàu chở ba chi đội Nam tiến đầu tiên khởi hành vào Nam chiến đấu, trong đó có Chi đội 3 là chi đội Việt Nam Giải phóng quân tham gia giải phóng Thái Nguyên, được điều về Hà Nội bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời.
      Cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên tổ chức mít tinh, tuần hành phản đối hành động xâm lược của thực dân Pháp; quyên góp tiền bạc, vũ khí, quần áo... ủng hộ quân, dân Nam Bộ. Tại cuộc mít tinh lớn ở thị xã Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Tư đã ủng hộ Nam Bộ kháng chiến 345 đồng (tương đương với 700 kg gạo). Chị em phụ nữ Thái Nguyên hăng hái tham gia phong trào mỗi hội viên phụ nữ ủng hộ “10 viên đạn”; nhiều nữ thanh niên Thái Nguyên tình nguyện đi “bán bánh mỳ và huy hiệu lấy tiền ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”. Các ‘Phòng Nam Bộ” được lập ra ở nhiều nơi để đón nhận, ghi tên những người Thái Nguyên xung phong gia nhập các đơn vị Nam tiến. Đến hết tháng 12/1945, Thái Nguyên đã tổ chức ba đợt Nam tiến với sự tham gia của 300 người Thái Nguyên thuộc nhiều dân tộc, lứa tuổi, trong đó đợt đầu được tổ chức vào cuối tháng 10/1945. Với những nỗ lực đó, nhân dân Thái Nguyên góp phần cùng nhân dân miền Nam đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh, chiếm đóng và áp đặt ách cai trị thực dân của Pháp ở Nam Bộ.
      Phát huy truyền thống lịch sử, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), nhân dân Thái Nguyên hăng hái lao động sản xuất, củng cố hậu phương vững chắc, anh dũng đánh trả máy bay Mỹ xâm lược, động viên hàng chục nghìn người con vào Nam đánh giặc, trong đó nhiều người đã anh dũng hi sinh, được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Thái Nguyên luôn bảo đảm huy động “thóc không thiếu, một cân, quân không thiếu một người”, góp phần giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
                                                                                      
Hà Minh Lợi
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7: Nam Bộ với toàn quốc kháng chiến, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội 2016.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên: Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Thái Nguyên (1930-2000), Thái Nguyên 12-2002.
3. Phạm Tất Quynh: Lược ghi lời kể của ông Việt Bằng - chiến sĩ Nam tiến, thị xã Thái Nguyên.
 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17280 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập2
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại181,252
  • Tổng lượt truy cập18,341,594
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây