Khởi nghĩa Bắc Sơn và việc thành lập Trung đội Cứu quốc quân II

Thứ sáu - 25/09/2020 21:14   Đã xem: 8207   Phản hồi: 0

Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp tham chiến. Thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị phản động, bóp nghẹt dân chủ, tăng cường vơ vét tài nguyên ở các nước thuộc địa phục vụ chiến tranh.Tháng 11-1939, Hội nghị Trung ương họp tại Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, chủ trương “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”.

      Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng Đức, nước Pháp bị quân đội Hítle chiếm đóng. Nhân cơ hội đó, ngày 22-9-1940, Nhật cho quân vượt biên giới Việt - Trung đánh chiếm Lạng Sơn. Quân Pháp chống cự yếu ớt rồi đầu hàng, một bộ phận rút chạy qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Nhân cơ hội này, ba đảng viên cộng sản là Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức (thuộc tổ chức Đảng Bắc Sơn) và Nông Văn Cún, tức Thái Long (thuộc tổ chức Đảng Võ Nhai) thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn về Bắc Sơn, cùng Đảng bộ Bắc Sơn họp, quyết định khởi nghĩa. Ban Chỉ huy khởi nghĩa gồm 5 đồng chí: Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Nông Văn Cún, do đồng chí Hoàng Văn Hán làm chỉ huy trưởng. Sau cuộc họp, đồng chí Thái Long về ngay Võ Nhai vận động ủng hộ Bắc Sơn.
knbs
 
Đội du kích Bắc Sơn (Ảnh tư liệu)
 
      8 giờ tối ngày 27-9-1940, quân ta tấn công đồn Mỏ Nhài, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Tri châu Hoàng Văn Sĩ cùng một trung đội gồm 22 lính hoảng sợ bỏ đồn tháo chạy. Quân khởi nghĩa chiếm đồn, thu 10 khẩu súng trường, 6 súng kíp, 2 gánh đạn, 1 máy chữ cùng toàn bộ sổ sách, bằng, triện. Tiếp đó, trong các ngày 28 và 29-9-1940, quân khởi nghĩa liên tiếp phục kích tàn quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Dì, Nà Ti, Thâm Thông, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Hoảng sợ trước sự nổi dậy của nhân dân Bắc Sơn, sau khi chấp nhận những yêu sách do Nhật đặt ra, Pháp điều quân từ Đình Cả, Võ Nhai, Bình Gia trở lại Bắc Sơn đàn áp phong trào.
      Ngay sau khi được tin cuộc khởi nghĩa nghĩa bùng nổ, Xứ Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Ngày 13-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập cuộc họp với các đảng viên ở Sa Khao, xã Vũ Lăng (nay là xã Tân Hương), quyết định thành lập Đội du kích Bắc Sơn, xây dựng Căn cứ du kích Bắc Sơn.
      Từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, Hội nghị Trung ương tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) quyết định duy trì Đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập căn cứ du kích, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm, do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Hội nghị giao cho đồng chí Hoàng Văn Thụ chịu trách nhiệm thực hiện. Tháng 2-1941, trên đường đi dự Hội nghị Trung ương tại Pác Bó, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ đã dừng lại ở Bắc Sơn, thông báo quyết định của Trung ương về việc củng cố, phát triển Đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân để làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng Căn cứ du kích Bắc Sơn - Võ Nhai. Trung ương chỉ định đồng chí Lương Văn Tri làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó Cứu quốc quân. Sau Hội nghị Trung ương tại Pác Bó, tháng 7-1941, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương dừng chân tại Bắc Sơn, quyết định Ban Chỉ huy mới của Cứu quốc quân đồng thời là Ban Lãnh đạo Căn cứ du kích Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng chí Chu Văn Tấn, Chỉ huy phó được phân công về Võ Nhai chỉ đạo phong trào ở đây.Trong thời gian này, Cứu quốc quân đã cùng với nhân dân Bắc Sơn - Võ Nhai anh dũng chiến đấu, chống trả cuộc khủng bố lớn của thực dân Pháp, đưa các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương vượt vòng vây địch, về xuôi an toàn. Trong điều kiện địch tăng cường khủng bố, lực lượng Cứu quốc quân ở Võ Nhai được củng cố lại. Ngày 15-9-1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập tại rừng Khuôn Mánh (Tràng Xá, Võ Nhai). Ban Chỉ huy Trung đội gồm ba người do đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng.
      Khởi nghĩa Bắc Sơn tuy nổ ra ở một địa phương miền núi, trên một địa bàn hẹp và diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có tiếng vang lớn trong cả nước, đóng góp to lớn về nhiều mặt đối với cách mạng Việt Nam. Khởi nghĩa Bắc Sơn đánh dấu sự chuyển hướng trong hình thức đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ đấu tranh chính trị tiến đến kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang. Cùng với Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Nam Kỳ, Đô Lương, khởi nghĩa Bắc Sơn được coi như cuộc diễn tập vũ trang tiến đến Cách mạng Tháng Tám giành độc lập dân tộc năm 1945.
      Khởi nghĩa Bắc Sơn giúp cho Đảng ta rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm về vấn đề lựa chọn thời cơ khởi nghĩa, về vấn đề tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân. Đây là những vấn đề căn cốt cho cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài sau này.Từ khởi nghĩa Bắc Sơn đã hình thành một trong những đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng là Đội du kích Bắc Sơn, thúc đẩy sự ra đời, trưởng thành của các đội Cứu quốc quân I, II, III. Khởi nghĩa Bắc Sơn cũng dẫn đến thành lập Căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai - nòng cốt trong việc củng cố, phát triển và thúc đẩy phong trào cách mạng ở các địa phương lân cận và trong cả nước.
      Kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940-27-9-2020), Thái Nguyên tự hào vì có những người con ưu tú đã quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, nắm bắt thời cơ, tham gia khởi xướng, lãnh đạo và chỉ huy cuộc khởi nghĩa; xây dựng, củng cố, phát triển Đội du kích Bắc Sơn, thành lập, chỉ huy Cứu quốc quân I, Cứu quốc quân II - những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; thành lập và phát huy vai trò của Căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Đây là những sự kiện lịch sử quan trọng, thúc đẩy việc củng cố, phát triển phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị thời cơ cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước./.
 
Hà Minh Lợi
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


 Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,Tập I, Quyển I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2018.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Xuất bản năm 2003.
3. Các tạp chí điện tử: Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.












 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập174
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại176,958
  • Tổng lượt truy cập18,337,300
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây