Những kết quả đạt được sau 02 năm thực hiện Chương trình Phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020

Thứ tư - 11/07/2018 07:14   Đã xem: 1000   Phản hồi: 0

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình Phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có những bước phát triển cả về mạng lưới, quy mô, loại hình trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đến nay, đã có 21/39 chỉ tiêu phát triển giáo dục đều đạt và vượt so với chương trình đặt ra đến năm 2020 đó là: tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 vượt 0,49%; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi (6-10 tuổi) đi học vượt 0,33%; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học và học lớp 6 vượt 0,2%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi (11-14 tuổi) đi học vượt 1,4%; tỷ lệ trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học ở các lớp chuyên biệt, hòa nhập vượt 15%; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học vượt 0,33%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS vượt 0,83%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT vượt 6,55%. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu như: Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỷ lệ các trường học được kết nối Internet, kết quả phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp học... Đội ngũ giáo viên từng bước được nâng cao về chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng, các chế độ chính sách nhà giáo được đảm bảo, đặc biệt đã hỗ trợ hơn 149 tỷ đồng kinh phí cho các trường mầm non và phổ thông để thực hiện công tác giảng dạy, nấu ăn cho học sinh. Các cuộc vận động và phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học của ngành giáo dục và đào tạo được chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đồng bộ, do vậy đã tạo được diện mạo mới trong hoạt động dạy và học, góp phần tạo môi trường học tập tích cực, duy trì nề nếp, kỷ cương trong dạy và học để giáo dục học sinh phát triển toàn diện.
anh bai PTGD 2016 2020
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 10 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên thực hành môn sinh học

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư hiệu quả, đạt kết quả cao. Tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh có 549/679 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 80,85% (về trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19). Cơ sở vật chất được tăng cường, dự án xây dựng trường THPT Chuyên Thái Nguyên triển khai đúng tiến độ, thực hiện xóa 33 phòng học tạm trên địa bàn toàn tỉnh, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú nhận được sự đồng thuận lớn của nhân dân.
Tuy nhiên, Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục như: Tình trạng quá tải trường lớp vẫn còn diễn ra, nhất là ở các khu trung tâm, thành phố, thị xã và các khu công nghiệp; chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là các xã miền núi vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn; nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình giáo dục còn hạn chế...
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới Thái Nguyên sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chương trình phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn điện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về“Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Trong đó, tập trung sắp xếp, tổ chức trường phổ thông có nhiều cấp học; rà soát, điều chỉnh lại quy mô lớp học một cách hợp lý, thu gọn lại các điểm trường lẻ; sáp nhập một số trung tâm, trường trung cấp, cao đẳng phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học trong các nhà trường, chống quá tải; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, tiếp tục cập chuẩn mực giáo dục tiên tiến về phương pháp dạy học, phương thức tổ chức và quản lý giáo dục đạo tạo…
                                                                    Lưu Đường Tăng
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây