Thái Nguyên: Sau hai năm thực hiện Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ bảy - 14/07/2018 12:52   Đã xem: 996   Phản hồi: 0

Thái Nguyên được xác định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo của vùng Trung du miền núi phía Bắc, là địa phương có hệ thống y tế khá phát triển trong khu vực. Trong những năm qua, ngành Y tế đã tập trung thu hút các nguồn lực, đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, các dịch vụ y tế trong phòng bệnh, chữa bệnh; triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới và tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên đia bàn tỉnh.

Sau hai năm thực hiện Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng như: Hoàn thiện mô hình tổ chức và sắp xếp lại hệ thống y tế; đầu tư có trọng điểm và hoàn thiện các công trình y tế, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên phát triển cả về số lượng và chất lượng (toàn tỉnh hiện có 1.624 bác sỹ, đạt 13 bác sỹ/10.000 dân; 50% bác sỹ, dược sỹ có trình độ sau đại học; 90,6% số trạm y tế có bác sỹ; 159/180 xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, y tế dự phòng được tăng cường đã kịp thời ngăn chặn được các dịch bệnh nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn tỉnh. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công trên đại bàn tỉnh năm 2017 là 95,6%; hoạt động khám chữa bệnh tại tuyến xã, phường tiếp tục duy trì, nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi; công tác phát triển y tế chuyên sâu được quan tâm triển khai ở các lĩnh vực sản khoa, nhi khoa, tim mạch, hồi sức cấp cứu, chấn thương, ung bướu; thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý thai nghén tại cộng đồng. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh tại các bệnh viên, trạm y tế cấp xã đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và phục vụ người bệnh.
Don tre ra doi tai BVA
Các bác sĩ đón bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện A Thái Nguyên
Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn về mất vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh phí hoạt động Chương trình mục tiêu y tế - dân số chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Điều kiện thiết yếu của chăm sóc sức khỏe như nước sạch, công trình vệ sinh còn nhiều khó khăn, thiếu cán bộ để triển khai các hoạt động dinh dưỡng ở cơ sở. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến tỉnh vẫn còn xảy ra; chất lượng dịch vụ y tế nhất là tuyến cơ sở có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất tại một số bệnh viện, trạm y tế xuống cấp, thiếu kinh phí cải tạo, sửa chữa…
Để đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao, cùng với việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những năm tiếp theo, Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là trong lĩnh vực hành nghề y - dược tư nhân; quản lý chặt chẽ việc cung ứng, sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, phát triển y tế chuyên sâu; duy trì tốt chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, lồng ghép vào chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng cơ chế chính sách, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, khẳng định vị thế là trung tâm y tế của vùng Trung du miền núi phía Bắc./.
 Hồng Nhung
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây