Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Thứ ba - 18/09/2018 12:42   Đã xem: 1102   Phản hồi: 0

Thái Nguyên là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại và trữ lượng như: sắt, than, đất sét, đá vôi xây dựng, vonfram đa kim... Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và  Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, tỉnh Thái Nguyên  đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái nguyên, giai đoạn 2016 - 2020”, Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 19/4/2017 về việc tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển cát sỏi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản.
Các sở, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Khoáng sản cho các đơn vị doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình khai thác theo giấy phép đã được cấp phép; việc kê khai sản lượng khoáng sản nguyên khai, khối lượng đất đá thải; tham mưu xử lý kịp thời đối với các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ trong khai thác khoáng sản theo quy định...
Nhìn chung công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đi vào nề nếp; nghiêm túc thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản đã được thực hiện đúng trình tự, thẩm quyền, có sự thống nhất giữa UBND các cấp và các ngành liên quan; trong 2 năm (năm 2016, 2017), tỉnh Thái Nguyên đã cấp 10 giấy phép thăm dò, 17 giấy phép khai thác và 17 quyết định phê duyệt trữ lượng; tổ chức thành công 07 phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản, làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ 10 - 20%.
khai thac than o mo than Khanh Hoa
Khai thác than ở mỏ than Khánh Hoà (Ảnh: Dương Văn, Báo Thái Nguyên)
Hoạt động khai thác khoáng sản đã cơ bản đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng khoáng sản, đóng góp tỷ lệ lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trong 2 năm (năm 2016, 2017), các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách với tổng tiền trên 2.100 tỷ đồng; thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến, thông qua việc sử dụng lao động tại địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và từ thiện, ủng hộ hoạt động lớn của tỉnh, hỗ trợ địa phương xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội…
Bên cạnh nhưng kết quả đạt được việc thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn một số hạn chế, khó khăn như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp tuy đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao; một vài dự án chậm triển khai xây dựng, việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường còn chậm, chưa đầy đủ; một số doanh nghiệp vẫn lén lút khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách. Có đơn vị không thực hiện đúng quy trình khai thác gây mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Luật Khoáng sản, nghị quyết Trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh có liên quan; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác quản lý khoáng sản; nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khai thác và sử dụng khoáng sản; thường xuyên tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về quản lý khoáng sản; thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính; xử lý đúng pháp luật các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường./.
 
Diệp Huyền
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây