Phát triển hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chủ nhật - 15/12/2019 04:53   Đã xem: 1018   Phản hồi: 0

Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ. Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

image 20191215165958 1
Một đoạn đường cao tốc Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên)
(ảnh minh họa: Nguồn Internet)
      Thực tế đã chứng minh, giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và mở ra cơ hội kết nối giao thương giữa các vùng miền, các vùng kinh tế trọng điểm, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương, Thái Nguyên luôn ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông với tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai như: Xây dựng đường cao tốc Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên); nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 cũ, xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn); cải tạo nâng cấp đường tỉnh ĐT261; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh; Dự án nâng cấp Quốc lộ 1B đoạn Km100 - Km144+700; Dự án đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn tuyến đi chung đại lộ Đông - Tây, khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt Sông Cầu... Có thể nói, đến nay, mạng lưới giao thông, vận tải trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện, tạo được sự kết nối thông suốt giữa các vùng miền, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Nếu như năm 2010 tỉnh Thái Nguyên mới có 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 184km; 289km tỉnh lộ mới được nhựa hóa 85%, thì đến nay Thái Nguyên đã có 01 tuyến cao tốc, 07 tuyến tiêu chuẩn quốc lộ với tổng chiều dài 305km thảm bê tông nhựa; 374km tỉnh lộ đã nhựa hóa, bê tông hóa 100%. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm nhiều công trình cầu, đường và hạ tầng giao thông đã đóng góp tích cực trong việc kết nối các vùng miền, các khu, cụm công nghiệp... phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.
      Thành công lớn nhất trong tiến trình xây dựng hệ thống giao thông ở tỉnh ta là sự tranh thủ được các nguồn vốn và phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp trên địa bàn. 10 năm qua, các địa phương đã vận động nhân dân hiến trên 593ha đất và nhiều cây cối, tài sản trên đất để phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đặc biệt là làm đường giao thông. Toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được trên 8.000km đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với sự đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng giao thông, đến nay 100% các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng đều được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, đặc biệt là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số tuyến đường còn có đầy đủ vỉa hè, rãnh thoát nước, đèn chiếu sáng, điểm tránh xe.... Nhiều xã đã hình thành các tuyến đường trồng hoa, cây xanh.
      Với những nỗ lực của tỉnh, sự đồng hành của các doanh nghiệp và người dân nhằm thực hiện hiệu quả khâu đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để từng bước hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, tạo động lực đánh thức tiềm năng của các địa phương, thúc đẩy hợp tác phát triển, thu hút đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.
Ngọc Thơm
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây