Gắn tổng kết thực tiễn với bổ sung, cập nhật kiến thức trong giảng dạy lý luận chính trị

Thứ tư - 23/01/2019 06:01   Đã xem: 3351   Phản hồi: 0

Lý luận là sự khái quát kinh nghiệm thực tiễn, là tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong quá trình lịch sử. Lý luận phải phản ánh đúng bản chất quy luật của đối tượng nhận thức và phải được khái quát thành một hệ thống bao gồm các khái niệm phạm trù nhất định. Nó có vai trò định hướng chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người để nhằm đạt được kết quả cao nhất.

Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có tính xã hội - lịch sử của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn có vai trò đặc biệt to lớn đối với lý luận, là cơ sở, điểm xuất phát, là động lực cho sự phát triển của lý luận, đồng thời là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Thực hành sinh ra hiểu biết - Hiểu biết sinh ra lý luận - Lý luận lãnh đạo thực hành. Bác nhấn mạnh: Lý luận và thực tiễn phải gắn liền với nhau. Lý luận mà không liên hệ với thực tế là lý luận suông. Đó là thứ lý luận xa rời và không giúp ích gì cho thực tế cuộc sống. Còn thực tiễn không có lý luận soi đường là thực tiễn mù quáng, cũng không thể đưa cách mạng đến thắng lợi. Chính vì vậy, Đảng ta luôn coi trọng việc bảo vệ, phát huy giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vừa quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, vừa chú ý nâng cao hiệu quả vận dụng trong thực tiễn; chăm lo bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở.
Trong những năm đổi mới, các văn kiện Đại hội Đảng và nhiều nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá, xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác lý luận, trong đó, yêu cầu coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, đưa kiến thức thực tiễn vào giảng dạy lý luận chính trị, đồng thời yêu cầu người học phải liên hệ, vận dụng những kiến thức đã học tập vào thực tiễn công việc hằng ngày, đưa lý luận trở về với thực tiễn. Việc tổ chức, triển khai nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời kỳ đổi mới đã có những bước phát triển, góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
2

Đ/c Lê Văn Tuấn, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh  ủy trao Giấy chứng nhận cho thi sinh đoạt giải Nhất
tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi lần thứ 6, năm 2018 (Ảnh:Minh Tuấn)

Tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm là hết sức cần thiết. Tuy vậy, điều quan trọng là phải áp dụng những bài học kinh nghiệm đó vào thực tiễn, để lý luận quay trở về với thực tiễn, thúc đẩy công tác xây dựng Đảng và mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng phát triển. Đây vẫn là khâu yếu đối với không ít tổ chức đảng và cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị trong tỉnh. Để nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng, đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách và kiêm chức của tỉnh cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:
Một là, giảng viên phải nắm vững các nội dung lý luận mà mình đảm nhiệm giảng dạy; đồng thời nắm chắc những kết quả thực tiễn vừa được tổng kết, đúc rút để kịp thời bổ sung, minh họa.
Không phải tất cả các nội dung lý luận trong bài giảng đều cần có liên hệ thực tế, mà chỉ nên liên hệ ở những vấn đề khó, cần minh họa cho dễ hiểu; những vấn đề quan trọng, phải nhấn mạnh để tăng thêm tính thuyết phục hoặc vấn đề mang tính thời sự phải phổ biến ngay; những bài học cần sớm thông tin để tránh sai lầm lặp lại... Việc liên hệ không chỉ giúp học viên hiểu rõ, nắm chắc nội dung bài học, mà qua những kiến thức mới được đúc rút từ tổng kết thực tiễn sẽ giúp họ tiếp cận với kiến thức mới, định hướng cho họ cách thức áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Nhìn lại kết quả năm 2018, tỉnh Thái Nguyên thu ngân sách đạt hơn 15.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay (gần gấp đôi so với năm 2016). Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 670 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2017 (đứng thứ 04/63 tỉnh thành trong cả nước). Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 25,06 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2017 (đứng thứ 4/63 tỉnh thành trong cả nước). Những con số trên đã chứng minh cho chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế nhanh và bền vững…”. Trong chỉ đạo thực hiện, tỉnh đã cụ thể hóa bằng những chủ trương, kế hoạch, chương trình công tác nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Kết thúc năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổng kết, đánh giá toàn diện các mặt công tác, vừa nêu lên những ưu điểm, vừa chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm và xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2019 và những năm tiếp theo. Đây chính là kết quả tổng kết thực tiễn vô cùng quý giá, đòi hỏi khi giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên phải nắm bắt, cập nhật thông tin, đưa vào liên hệ trong bài giảng.  
Hai là, bản thân mỗi giảng viên cũng phải tích cực tham gia vào hoạt động thực tiễn bằng các phương thức khác nhau. Đó là việc đi thực tế cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp…), gặp gỡ trao đổi với cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ, gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân; thăm quan các các mô hình lao động sản xuất để trực tiếp thu thập những kiến thức thực tiễn sinh động, thời sự. Tích cực tham gia nghiên cứu khoa học cũng là một hoạt động thực tiễn, vì thông qua đó, nhà khoa học có điều kiện tiếp xúc với các kết quả đạt được trong thực tế, khái quát thành những bài học, bổ sung kiến thức mới cho lý luận. Ngoài ra, mỗi giảng viên cần chủ động khai thác thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, tạp chí, Internet,…) để có thực tiễn đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích. Nghiên cứu các tài liệu, nhất là các văn kiện Hội nghị, Đại hội Đảng,… cũng là hoạt động thực tiễn, vì đó là những kiến thức thực tiễn đã được khái quát, có độ tin cậy cao.
Việc tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” theo chủ trương của Trung ương là một ví dụ. Qua tổng kết, sẽ đánh giá toàn diện, đầy đủ về hoạt động của các trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện, từ đó có sự điều chỉnh, định hướng hoạt động trong thời gian tới đảm bảo thiết thực, hiệu quả hơn. Năm 2018, các cơ quan, đơn vị có chức năng giảng dạy lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổng hợp, báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó, nhiều câu hỏi, vấn đề thực tiễn đặt ra được kiến nghị làm rõ, như: Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện là trường học hay là đơn vị sự nghiệp?; Tính thống nhất của tài liệu, giáo trình học tập lý luận chính trị để bảo đảm sự nhất quán trong phân tích, giải thích, truyền bá kiến thức lý luận trong cả hệ thống các trường chính trị từ Trung ương đến cấp huyện sẽ được thực hiện như thế nào?; Việc đào tạo, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại TTBDCT cấp huyện sẽ được đề cập và giải quyết ra sao?… Làm sáng tỏ những vấn đề trên sẽ góp phần bổ sung cơ sở thực tiễn để Ban Bí thư xem xét, ban hành quy định mới, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Ba là, bám sát đối tượng học viên để vận dụng, liên hệ thực tiễn cho phù hợp. Cùng một chuyên đề nhưng giảng dạy tại các lớp học ở khu vực thành phố, đồng bằng, không thể đồng nhất với các lớp vùng trung du, miền núi, hoặc giảng dạy tại các lớp đại đa số học viên là thanh niên trẻ, không thể giống với lớp đa số học viên lớn tuổi. Vì vậy, nắm bắt được đối tượng sẽ giúp lựa chọn kiến thức thực tiễn hoặc cách khai thác nhấn mạnh khía cạnh nào trong cùng một sự kiện để phù hợp đối tượng. Ngoài ra, yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải có tính điển hình, tính thời sự, tính chính xác, có địa chỉ rõ ràng và phù hợp nội dung lý luận đang cần được phân tích chứng minh.
Lý luận và thực tiễn phải luôn gắn bó, quan hệ mật thiết với nhau. Nếu tách rời thực tiễn và tổng kết thực tiễn không bám sát thực tiễn, không theo kịp sự vận động, biến đổi của thực tiễn thì nghiên cứu lý luận sẽ rơi vào tình trạng giáo điều, sách vở, thuyết lý chung chung, dừng lại ở những công thức đã có sẵn, ít có cái mới, đột phá, lý luận thiếu sức sống, thiếu tính thuyết phục. Mặt khác, nếu xa rời lý luận, không nắm vững linh hồn sống của lý luận, thì tổng kết thực tiễn, việc đề ra các chính sách cho thực tiễn sẽ thiếu chiều sâu, không đi vào được bản chất, quy luật vận động của thực tiễn, “hồn cốt” của thực tiễn, sẽ rơi vào tình trạng mô tả bề mặt, bề nổi của đời sống thực tiễn. Gắn tổng kết thực tiễn với bổ sung, cập nhật kiến thức trong giảng dạy lý luận là góp phần phát triển lý luận, đưa lý luận lên một tầm cao mới, nhưng cũng đồng thời làm cho lý luận trở về với thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng./.
Lê Văn Tuấn
Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17279 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập350
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại177,513
  • Tổng lượt truy cập18,337,855
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây