Thực hiện chính sách giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ năm - 11/01/2018 01:59   Đã xem: 1552   Phản hồi: 0

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi Bắc bộ có diện tích tự nhiên trên 3.500 km² với 9 đơn vị hành chính (6 huyện, 2 thành phố, 1 thị xã, trong đó có 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao); 180 xã, phường, thị trấn, trong đó có 36 xã đặc biệt khó khăn; dân số trên 1,2 triệu người, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 27% dân số toàn tỉnh,  tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng cao là: Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về việcQuan tâm phát triển giáo dục, dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và bậc học mầm non”, những năm qua, Thái Nguyên đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chính sách giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có 677 trường phổ thông, trong đó có: 229 trường mầm non, 227 trường tiểu học, 189 trường THCS, 32 trường THPT. Trong đó, có 85.461 học sinh DTTS/275.736 học sinh phổ thông (chiếm tỷ lệ 30,99%), 06 trường phổ thông dân tộc nội trú, 09 trường phổ thông dân tộc bán trú; 346 điểm trường lẻ (cấp Mầm non có 205 điểm trường, cấp Tiểu học có 140 điểm trường, cấp THCS có 01 điểm trường). Năm học 2016 - 2017, kinh phí thực hiện theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là: 101.480,09 triệu đồng; kinh phí thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là : 73.329,52 triệu đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 44/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thái Nguyên, năm học 2016 - 2017 số gạo đã cấp cho học sinh là: 760.665 kg; số được hưởng kinh phí hỗ trợ là: 4.932 học sinh, tổng số tiền đã hỗ trợ là:  21.135 triệu đồng ...
Cơ sở vật chất của các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trong tỉnh đã được đầu tư khang trang với tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia; đến nay, có 4/6 trường PTDTNT đã đạt trường chuẩn Quốc gia. Để đảm bảo tăng tỷ lệ huy động học sinh là người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh từ 5,65% năm 2015 lên 8% trong giai đoạn 2016 - 2020 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngày 03/6/2016 HĐND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 116/HĐND-VP về việc nâng cấp, mở rộng quy mô các trường PTDTNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí đầu tư 275,4 tỷ đồng. Năm 2016, tỉnh đã thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng quy mô trường PTDTNT THCS Định Hóa và Đồng Hỷ với tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng.
Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non và tiểu học cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2017 - 2020; Dự án phát triển các trường THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 hiện đang triển khai thực với tổng kinh phí dự kiến là 966 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 832 tỷ đồng. Đề án đầu tư xây dựng các trường phổ thông bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú cũng đang được triển khai thực hiện với tổng kinh phí 194.477 triệu đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là 99.344 triệu đồng.
 Nhờ có chính sách phát triển giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số của Trung ương và của tỉnh đã giảm học tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở những vùng DTTS có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng thời cũng gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho các địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn vùng DTTS; xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa địa phương, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong việc tổ chức dạy nghề và tiếp nhận lao động vào làm việc đối với nghề phi nông nghiệp hoặc nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm bền vững góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn nói chung và đồng bào DTTS rói riêng. Giai đoạn 2010 - 2015, Thái Nguyên đào tạo nghề cho 26.815 lao động nông thôn, trong đó lao động là người DTTS: 5.257 người (chiếm 19,6%); số lao động nông thôn sau đào tạo đã có việc làm: 20.210 người (đạt 75,37%), trong đó có 7.911 người được doanh nghiệp tuyển dụng, 989 người được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm (chiếm 5%), 156 người  thành lập tổ hợp tác - HTX (chiếm 1%). Lao động là người DTTS sau đào tạo chủ yếu được tuyển dụng vào làm tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty TNHH Panpo Việt Nam, Công ty TNHH Khai thác Chế Biến Khoáng sản Núi Pháo, Công ty TNHH Samsung Electronics tại Thái Nguyên...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục - đào tạo vùng DTTS tỉnh Thái Nguyên còn có những khó khăn, hạn chế như: Nội dung một số văn bản quản lý, hướng dẫn về thực hiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục dân tộc hiện nay khó thực hiện; sự phối hợp lồng ghép các chính sách trên địa bàn vùng DTTS và miền núi có lúc chưa phù hợp. Cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho các trường mầm non, tiểu học ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa đảm bảo; chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng sâu còn thấp; còn ít học sinh là người dân tộc thiểu số thi được vào các trường đại học: Y dược, Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân hoặc các chuyên ngành viễn thông, công nghệ thông tin... Nhiều sinh viên DTTS đã tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Định mức biên chế giáo viên/lớp và chế độ, chính sách đối với nhân viên làm việc trong các trường PTDTNT còn những bất cập...
Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; để giáo - dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời  khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên, thời gian tới tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai thực hiện các giải pháp như: Thực hiện nghiêm túc quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về việc “đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng dạy và học”, “chú trọng phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn”; đảm bảo có “8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú”. Tiếp tục phát triển quy mô xây dựng mạng lưới trường lớp phù hợp. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với vùng núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển hơn nữa hệ thống các trường DTNC các cấp, gắn công tác tuyển sinh với quy hoạch đào tạo. Bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ cho các giáo viên hiện đang công tác tại thôn, bản của đồng bào dân tộc ít người, thường xuyên tổ chức đào tạo lại đội ngũ này. Tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục cho đồng bào người DTTS, thực hiện phân luồng học sinh phổ thông DTTS vào học nghề…
Chính sách giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi được Đảng ta quan tâm và lãnh đạo thực hiện trong công cuộc đổi mới đã góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc đổi mới đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách phát triển giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số nói riêng của Thái Nguyên không chỉ thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng về vị trí, vai trò, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên nhanh và bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Kiều Hoa
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 
 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hình ảnh hoạt động

Van-nghe-chao-mung.jpg Thi-sinh-Dai-Tu.jpg Gang-thep-Chuc-mung-thi-sinh.jpg Trao-giai-Ba-Nhung.jpg Van-nghe.jpg

Tư liệu - Văn kiện

Số 1182-CV/BTGTU

Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 92 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 25 năm tái lập tỉnh Thái Nguyên và mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Lượt xem:1113 | lượt tải:229

Số 28-HD/BTGTU

Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo năm 2022

Lượt xem:995 | lượt tải:300

Số 27-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2022

Lượt xem:1383 | lượt tải:259

Số 1020-CV/BTGTU

Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet

Lượt xem:16953 | lượt tải:4279

Số 20-HD/BTGTU

Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo

Lượt xem:17280 | lượt tải:4057

Thống kê website

  • Đang truy cập422
  • Hôm nay14,943
  • Tháng hiện tại179,641
  • Tổng lượt truy cập18,339,983
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây