An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

Thứ ba - 05/05/2020 07:02   Đã xem: 3385   Phản hồi: 0

      Chiến thng Điện Biên Phủ năm 1954 là sự kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong 9 năm kháng chiến trường kỳ. Những năm kháng chiến đầy khó khăn gian khổ đó, các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) là nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương. Trong đó, An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng; tại đây Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định lịch sử đưa tới thắng lợi lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ.

      Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ... rời Thủ đô chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 20/5/1947, Người có mặt ở ATK Định Hóa. Từ tháng 5/1947, những bộ phận chủ yếu của Tổng hành dinh rải ra trên trên trục Tây Nam Định Hóa, từ Quán Vuông đến Lưu Quang, Lục Rã, sát chân núi Hồng, trên đường sang Tân Trào (Tuyên Quang). Các đồng chí Công tác đội và Tổng đội xây dựng của Bộ Tổng tham mưu đã chuẩn bị nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu rừng Khau Tý, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định. Để đảm bảo bí mật, một trong những nguyên tắc nghiêm ngặt nhất trong thời kì kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc. Có lúc, Người ở Định Hoá, có lúc sang Sơn Dương, Yên Sơn, có lúc lên Chợ Đồn hoặc sang Võ Nhai.
DBP
      Trong Hồi ký của mình khi nói về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ... rời Thủ đô chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, tướng Pháp Xalăng đánh giá rằng cả một dân tộc đã đứng sau người lãnh đạo của mình, cả một bộ máy đã theo người lãnh đạo đến một vùng đất khó xâm nhập vì rất nhiều hang đá, rừng rậm phủ kín tất cả, không quân khó phát huy tác dụng... Trên nền tảng các sắc tộc ít người, dân vùng này đã trải qua những năm tháng dưới chế dộ vững chắc của Việt Minh. Giờ đây chính tại nơi này, tướng Giáp xây dựng bộ đội của mình để chống lại quân Pháp(1).
      Một tháng sau khi đặt chân tới ATK, trong Lời kêu gọi nhân kỷ niệm nửa năm Kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhất định thắng lợi, “vì kháng chiến của ta là chính nghĩa; vì đồng bào ta đại đoàn kết; vì tướng lĩnh sĩ ta dũng cảm; vì chiến lược chúng ta đúng; vì ta nhiều bầu bạn”(2).Cũng trong dịp này, từ ATK nhiều bài viết của đồng chí Trường Chinh trên Báo Sự thật tiếp tục được tỏa đi các miền của đất nước, củng cố niềm tin và chỉ ra phương hướng hành động cho toàn dân bước vào kháng chiến. Tháng 9/1947, các bài viết được tập hợp, chỉnh lý, bổ sung và xuất bản thành sách mang tên Kháng chiến nhất định thắng lợi. Cuốn sách trở thành cẩm nang cho cán bộ các ngành, các cấp trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm của đồng chí Trường Chinh là những văn kiện quan trọng  đầu tiên được xuất bản ở ATK Định Hóa, mở đầu cho rất nhiều văn kiện tiếp theo thể hiện chủ trương, chính sách về các mặt của Đảng và Chính phủ, từng bước đưa cuộc kháng chiến đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
      Từ thượng tuần tháng 10/1947, đúng như Đảng ta phán đoán, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quân sự quy mô lớn lên căn cứ địa Việt Bắc với mưu đồ tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não kháng chiến của ta để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh. Ngày 7/10/1947, địch cho quân nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn và thị trấn Chợ Mới. Ngay trong đêm 7/10/1947, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng đã hội ý nhận định tình hình và đề ra chủ trương đối phó với địch. Sáng hôm sau (8/10), Bác Hồ gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích, tự vệ và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc. Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các lực lượng vũ trang chiến đấu, bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947.  
      Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, đồng thời nhằm khắc phục khó khăn mới do sự can thiệp của đế quốc Mĩ vào cuộc chiến tranh Đông Dương, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (6/1950) tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) đã quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp nghiên cứu kế hoạch Chiến dịch. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới để mở rộng con đường liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.
      Thực hiện quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chiến dịch Biên giới mở màn ngày 16/9 và kết thúc thắng lợi vào ngày 14/10/1950. Trong chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng một dải biên giới với chiều dài 750 km và một vùng đất rộng lớn khoảng 4.000 km2 với 35 vạn dân, phá vỡ hành lang đông - tây... Với chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, đã phá vỡ thế bao vây, phong toả của địch đối với căn cứ địa Việt Bắc; con đường liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với quốc tế được mở ra trên nhiều hướng. Quân đội ta đã giành được quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ).
      Đến giữa năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng có lợi cho quân, dân ta, bất lợi cho thực dân Pháp. Để đối phó tình hình, giữa năm 1953, với sự thỏa thuận của Mĩ, Chính phủ Pháp chỉ định tướng Nava làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay tướng Xalăng. Dưới sự chỉ huy của tướng Nava, mùa hè và suốt mùa thu năm 1953, quân Pháp liên tục mở hàng chục cuộc hành quân, càn quét dữ dội ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên và Nam Bộ. Để đối phó với các âm mưu và hoạt động của địch, cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo, thôn Lục Rã, xã Phú Đình (thuộc ATK Định Hóa), Bộ Chính trị đã họp, xác định nhiệm vụ tác chiến Đông - Xuân 1953 -1954: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tấn công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh vào vùng tự do của ta...”. Đến giữa tháng 11/1953, một số đơn vị bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc. Đầu tháng 12/1953, thực dân Pháp tăng cường lực lượng để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự.
      Trước những diễn biến mau lẹ trên chiến trường, ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, Phú Đình, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị họp bàn, đi đến quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát (Phú Đình - Định Hóa) chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về sự kiện lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại:
      “Tôi lên Khuôn Tát chào Bác trước khi lên đường đi chiến dịch. Bác hỏi:
      - Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?
      - Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.
      - Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”.
      Khi chia tay, Bác nhắc: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”(3).
      Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, quân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trải qua “56 ngày, đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”(4), Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Quân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 16.000 tên địch, bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cátxtơri chỉ huy; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng; thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, hơn 30.000 chiếc dù, toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực củng cố hậu phương; xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích; tham gia bộ đội chính quy, dân công phục vụ các chiến dịch. Thái Nguyên đã có gần 32.500 con em các dân tộc tham gia dân quân, du kích và tự vệ chiến đấu; 17.843 thanh niên tòng quân đánh giặc, hơn 15.000 dân công hỏa tuyến, trong đó có 1.607 người hy sinh và được công nhận là liệt sĩ; 1.129 người được công nhận là thương binh; Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên cùng 63 tập thể, 3 cá nhân trong tỉnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
      Như vậy, ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến, được chứng kiến nhiều hoạt động của Bộ thống soái tối cao, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định lịch sử: Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ, cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Để ghi nhớ, tôn vinh sự kiện lịch sử trọng đại này, ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng An Toàn khu Định Hoá là Di tích Quốc gia đặc biệt./.
Hứa Thị Kiều Hoa
                                                 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên
 (1) R.Salan, Mesmoires, tập 2, Nxb Presses de la Cité. Pari, 1971.
(2) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia 1993, tập 2, tr 267.
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2004, tr 275.
(4) Tố Hữu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây