Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2019

Chủ nhật - 10/05/2020 00:20   Đã xem: 2477   Phản hồi: 0

      Những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử  đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ khi có Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 10/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020”. Đến nay số sách lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản tăng cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tính đảng, tính khoa học. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử được tăng cường, có sự định hướng chính trị tư tưởng sâu sắc và chuẩn xác về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện với sự tham gia của nhiều lực lượng.

      Từ năm 2016 đến hết năm 2019, có 7/9 huyện, thành phố, thị xã đã nghiên cứu, tái bản có chỉnh lý, bổ sung lịch sử đảng bộ địa phương. Công tác nghiên cứu, biên soạn xuất bản lịch sử đảng bộ cấp xã được coi trọng. Có 149/178 xã, phường, thị trấn đã biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương. Nhiều đơn vị có số đảng bộ cấp xã xuất bản được sách lịch sử chiếm tỷ lệ cao, như: Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Sông Công,.. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử ở cấp tỉnh như: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Nguyên”, “Biên niên Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936 - 2016”, “Hỏi đáp lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”, “Đại đội TNXP 915- Khúc tráng ca bất tử”;… Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Thanh tra tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;  Bưu điện tỉnh; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; Công an tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên; Tỉnh đoàn; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hội Nông dân tỉnh đã nghiên cứu, biên soạn xuất bản được cuốn sách lịch sử của ngành, đơn vị.
LS Dang
Quang cảnh Hội đồng thẩm định lịch sử Đảng bộ xã Quyết Thắng, TPTN
      Để nâng chất lượng các công trình lịch sử, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định thẩm định bản thảo lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị; lịch sử truyền thống cách mạng các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh Thái Nguyên. Các bản thảo lịch sử trước khi xuất bản phải được hội đồng thẩm định bản thảo lịch sử do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành lập thẩm định và thông qua; nếu bản thảo không bảo đảm chất lượng, không được thông qua, cơ quan, đơn vị phải tổ chức biên soạn lại. Tính từ năm 2016 đến hết năm 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 82 Hội đồng thẩm định cấp tỉnh để thẩm định bản thảo các cuốn sách lịch sử trong tỉnh; 10 Hội đồng thẩm định nhân vật lịch sử là người có công; 02 Hội đồng tư liệu lịch sử. Thông qua hoạt động của các Hội đồng thẩm định, tránh những hạn chế, sai sót cơ bản về số liệu, sự kiện lịch sử, nhờ đó chất lượng các cuốn sách được nâng lên.
Công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử của Đảng bộ tỉnh được tăng cường. Giai đoạn 2016 - 2019, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện đã đưa nội dung giáo dục lịch sử cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các trường phổ thông.  

      Các cơ quan báo chí của tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về lịch sử. Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên đã đăng tải và phát sóng hơn 1.100 tin, bài, phóng sự, trao đổi tọa đàm, phim tài liệu tuyên truyền về lịch sử. Năm 2019, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng format, kịch bản Gameshow “Dân ta phải biết sử ta” trên sóng truyền hình. Báo Thái Nguyên đã đăng tải trên 300 bài viết, nhóm ảnh, clip tuyên truyền về các sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh. Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã đăng 21 bài tuyên truyền về lịch sử Đảng bộ tỉnh. Tỉnh đoàn Thái Nguyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống vẻ vang của Đảng, Đoàn, quê hương, đất nước.
      Công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng thông qua hình thức tổ chức cuộc thi tìm hiểu được nhiều đơn vị triển khai như: Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh , Đảng bộ thành phố Thái Nguyên , Đảng bộ huyện Đại Từ , Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh , Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh , Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên . Đặc biệt, cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức đã có 103.841 bài dự thi được viết tay, gửi về cấp uỷ các cấp (số người tham gia viết bài dự thi chiếm gần 10% dân số của tỉnh). Nhiều đơn vị có số bài dự thi rất lớn, như Đại học Thái Nguyên có 34.013 bài; thành phố Thái Nguyên trên 17.000 bài; huyện Đại Từ và Định Hoá, mỗi đơn vị trên 10.000 bài. Ngoài ra, Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì đã thu hút nhiều tập thể và cá nhân hưởng ứng tham gia. Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương đã trao giải Ba tập thể cho tỉnh Thái Nguyên và giải Nhì cá nhân cho tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai).
      Nhìn chung, từ năm 2016 - 2019, công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến rõ rệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác lịch sử Đảng của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế: chất lượng một số bản thảo lịch sử địa phương chưa cao, khi thông qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh phải góp ý sửa chữa nhiều, có bản thảo cuốn sách không được thông qua, phải tổ chức biên soạn lại tới lần thứ 3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, phát huy giá trị các cuốn lịch sử đã xuất bản nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên ở  nhiều địa phương, nhất là cơ sở chưa được chú trọng đúng mức. Một số ban, ngành cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống ngành, đơn vị; nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa phong phú.
      Từ thực tế trên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời gian tới, các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, ngành trong tỉnh cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
      Một là, nâng cao nhận thức về  ý nghĩa, vai trò công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
      Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo các điều kiện đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ cấp xã, lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử các ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
      Ba là, đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu trữ, số hóa tư liệu lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn; chú trọng tư liệu của cấp ủy, chính quyền các cấp,   sổ tay, bút ký, hồi ký,…của các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ.
      Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng theo hướng có chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp.
      Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị tới đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng; coi trọng đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử tại các cơ sở giáo dục, nhà trường; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trực quan bằng phim tài liệu, tham quan thực tế... tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với học viên, học sinh, sinh viên./.
                              Nguyễn Thị Hoa - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên
 
 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây