Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De

Thứ sáu - 08/05/2020 04:27   Đã xem: 5279   Phản hồi: 0

      Đèo De, núi Hồng - địa danh nổi tiếng, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, là điểm giáp danh giữa xã Phú Đình, Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; là nơi “chùa rách, bụt vàng” như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi dưới chân đèo De là Tỉn Keo - nơi đặt trụ sở Phủ Chủ tịch trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp.

Nhà tưởng niệm
           Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên
      Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (19/12/1946), huyện Định Hóa cùng với các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên và các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) là An toàn khu (ATK) của Trung ương trong căn cứ địa Việt Bắc. Tối ngày 19/5/1947, Bác Hồ cùng các cán bộ cảnh vệ, giúp việc dời làng Xảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và ngày 20/5/1947 đến ở và làm việc tại khu đồi Khau Tý, thôn Nà Tra, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá.
      Tại ATK Trung ương, Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh lãnh đạo cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đã có nhiều quyết sách quan trọng đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác;... Đặc biệt ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
      Đúng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2005), Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mà giờ đây, nhân dân các dân tộc quen gọi là Đền thờ Bác Hồ. Toàn bộ các hạng mục có tổng diện tích 16.000m2 gồm Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, toạ lạc trên đỉnh Đèo De, dựa lưng vào núi Hồng, nhìn xuống cánh đồng Tỉn Keo - Nà Lọm, xa xa là thác nước bảy tầng Khuôn Tát. Từ đây đi đến khu di tích lịch sử Tân Trào tỉnh Tuyên Quang chỉ 4km đường ô tô qua các khu rừng rậm của ATK nên thơ mà hùng vĩ.
       Đây là Đền thờ Bác Hồ lớn nhất ở nước ta và được xây dựng tại vị trí trung tâm khu di tích lịch sử ATK Định Hóa. Từ cổng Tứ trụ bước lên 115 bậc - ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp kỉ niệm 115 năm ngày sinh của Bác (19/5/2005) tới nhà Tam quan. Leo tiếp 79 bậc - ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác, đến Nhà dâng hương tưởng niệm với diện tích sàn 625m2 gồm hai tầng, kiến trúc theo lối đền chùa truyền thống mái lợp ngói đỏ, với hệ thống khuôn viên, đường bao quanh như một đóa sen nở, những cánh sen là 79 cây vạn tuế. Những bờ râm bụt lấy giống từ bờ hoa râm bụt cổ thụ Bác trồng trên đồi Tỉn Keo năm 1948. Phía trước, về bên phải là lầu chuông với quả chuông đồng nặng 1.250kg và bên trái là lầu khánh. Chuông, khánh được gióng lên từng hồi mỗi khi có đoàn khách đến viếng.
      Bên trong Nhà tưởng niệm, chính giữa điện thờ đặt tượng Bác được đúc bằng đồng cao 99cm do các nghệ nhân làng Ngũ Xá, Hà Nội chế tác. Nơi cao nhất phía trong treo bức hoành phi “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, đối diện là bức đại tự “Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi”. Bệ thờ làm bằng gỗ gụ dài 5,09m, rộng 4,07m, cao 0,89m. Toàn bộ lư hương, chân nến và bình hoa đều làm bằng đồng. Sau tượng Bác, phía trên là hình búa liềm và ngôi sao vàng đắp nổi, hai bên là câu đối của giáo sư Vũ Khiêu: “Thâu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này”. Ngoài ra còn có câu đề khác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
       Các câu đối, hoành phi đều làm bằng gỗ dổi, sơn son, thiếp vàng, tạo sự kính cẩn, tôn nghiêm. Trong Nhà tưởng niệm còn trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Tân Trào “Thủ đô khu giải phóng” và ở ATK Định Hóa. Những hình ảnh giản dị của Bác được trưng bày ở đây như minh chứng cho lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Vì thế, đây là điểm đến của nhiều du khách cùng nhân dân địa phương để tìm hiểu lịch sử và kính viếng Bác. Từ khi khánh thành đến nay, Nhà tưởng niệm đã đón hơn mười triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Số du khách mỗi ngày một đông hơn.
      Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên là công trình mang tầm vóc quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, là nơi lắng hồn thiêng sông núi, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nơi hành hương của các thế hệ người Việt Nam đang ra sức phấn đấu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và là một điểm đến đầy ý nghĩa của du khách quốc tế./.
        Tuấn Anh


 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây