Các mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ đối với người điều khiển ô tô theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Thứ hai - 05/08/2019 03:05   Đã xem: 1951   Phản hồi: 0

Hiện nay, quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ về các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 46). Dưới đây là các mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ 2019 phổ biến nhất đối với người đi ô tô được quy định tại Nghị định 46.

Xu phat o to
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, tuần tra kiểm soát
và xử lý vi phạm trên Quốc lộ 37 (Ảnh: Nhị Hà – Báo Thái Nguyên)
1. Dừng, đỗ xe không có tín hiệu báo
Người điều khiển ô tô khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng (điểm d khoản 1 Điều 5).
2. Không thắt dây an toàn khi xe chạy
Lái ô tô mà không thắt dây an toàn; chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng (theo điểm k, l khoản 1 Điều 5).
Đáng chú ý, từ năm 2018, người ngồi ghế sau ô tô không thắt dây an toàn cũng sẽ bị phạt tiền.
3. Sử dụng điện thoại khi lái xe
Người đang điều khiển ô tô chạy trên đường mà dùng tay sử dụng điện thoại di động sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng (điểm l khoản 3 Điều 5).
4. Mở cửa ô tô không đảm bảo an toàn
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
Nghị định 46 chỉ rõ: Người điều khiển ô tô mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt từ 300.000 đồng - 400.000 đồng (điểm g khoản 2 Điều 5).
5. Lùi xe không có tín hiệu báo trước
Người điều khiển ô tô lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước, lùi ở đường một chiều, lùi ở đường dành cho người đi bộ qua đường… bị phạt từ 300.000 đồng - 400.000 đồng (điểm l khoản 2 Điều 5).
6. Bật đèn pha trong đô thị, khu dân cư
Sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) trong khu đô thị, khu đông dân cư, trừ xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ bị phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi bấm còi, rú ga liên tục (điểm b khoản 3 Điều 5).
Bật đèn pha ô tô khi đi trong đô thị bị phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng.
 7. Lái xe sau khi uống rượu, bia
- Có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Phạt 02 - 03 triệu đồng (điểm a khoản 6 Điều 5);
- Nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt 07 - 08 triệu đồng (điểm b khoản 8 Điều 5);
- Nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt 16 - 18 triệu đồng (điểm a khoản 9 Điều 5).
8. Không mang theo giấy tờ xe
- Không mang theo Giấy phép lái xe: Phạt 200.000 đồng - 400.000 đồng (điểm a khoản 3 Điều 21);
- Không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt 200.000 đồng - 400.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 21);
- Không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (với xe phải có kiểm định): Phạt 200.000 đồng - 400.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 21).
9. Điều khiển xe chạy quá tốc độ
- Chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h: Phạt 600.000 đồng - 800.000 đồng (điểm a khoản 3 Điều 5);
- Chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h: Phạt 02 - 03 triệu đồng (điểm đ khoản 6 Điều 5);
- Chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h: Phạt 05 - 06 triệu đồng (điểm a khoản 7 Điều 5); đồng thời bị tước bằng lái xe 01 tháng
- Chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông: Phạt 07 - 08 triệu đồng (điểm c, d khoản 8 Điều 5);
- Chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h: Phạt 07 - 08 triệu đồng (điểm đ khoản 8 Điều 5); đồng thời bị tước bằng lái xe 02 tháng.
10. Gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại
Người điều khiển ô tô gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn bị phạt từ 05 - 06 triệu đồng (điểm b khoản 7 Điều 5)./.
Minh Tuấn (Tổng hợp)
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây